16 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày đầu nghỉ lễ

27/04/2019 20:04 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngày 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, trên toàn quốc đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông làm chết 16 người, bị thương 15 người.

66 người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày nghỉ lễ

66 người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày nghỉ lễ

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 13 - 15/4), cả nước xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông, làm 66 người chết và 60 người bị thương; trong đó, đường bộ xảy ra 95 vụ tai nạn giao thông, làm 65 người chết và 59 người bị thương, đường sắt xảy ra 2 vụ, làm 1 người chết, 1 người bị thương, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông nào.

Các vụ tai nạn giao thông đều xảy ra trên tuyến đường bộ. So với ngày nghỉ đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2018 thì trong năm nay tai nạn giao thông tăng 4 vụ, tăng 4 người chết, tăng 8 người bị thương.

Bắt đầu từ chiều 26 và sáng 27/4, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn bắt đầu về quê hoặc đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ, dẫn tới trình trạng lưu lượng giao thông tăng cao, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại một số trục chính, đầu mối giao thông như nhà ga, bến xe, sân bay, các tuyến ra vào cửa ngõ các thành phố lớn, khu du lịch. Tại Hà Nội, bên trong các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm số lượng hành khách tập trung rất đông, người dân xếp hàng mua vé kéo dài, nhiều tuyến xe có lượng người đi lớn như: Thanh Hóa, Nam Định, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên... hành khách phải chờ đợi nhiều giờ mới lên được xe.

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ tai nạn. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Hầu hết các bến xe đều đã có kế hoạch bố trí xe tăng cường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết thực hiện một số nội dung như: không chở quá tải, không thu quá giá vé theo qui định, phương tiện đảm bảo về yếu tố kỹ thuật và còn thời hạn đăng kiểm, lái xe không được sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện. Do lưu lượng giao thông tăng cao nên đã xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô như: đường Trường Chinh hướng Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; các tuyến đường Giải Phóng, Kim Đồng, Pháp Vân, Ngọc Hồi, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Vành đai 3 - đoạn từ Đại lộ Thăng Long đi về Linh Đàm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên trong bến xe Miền Tây và Miền Đông, lượng hành khách rời thành phố tăng cao, khu vực bán vé luôn quá tải, nhiều hành khách phải chờ đợi lâu tại bến xe. Từ 15 giờ chiều 26/4, lưu lượng xe cá nhân tăng cao khiến các con đường dẫn vào Bến xe Miền Đông như Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đều trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 27/4 nhận được gần tám cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về việc tăng giá vé, nhồi nhét hành khách, chở quá số người quy định, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường. Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an các địa phương đã xử lý hơn 4.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ và đường thủy, phạt tiền 4,37 tỷ đồng, tạm giữ 32 xe ô tô và 512 xe mô tô, 613 giấy tờ các loại.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm