35 năm Phạm Tuân 'chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ'

20/07/2015 19:01 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Cách đây 35 năm, ngày 23-7-1980, nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Vaxilievich Gorbatco đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Liên hợp 37. Chuyến bay ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên Xô trước đây, cũng như đối với Liên bang Nga ngày nay.

“Lạ lùng chưa

Ta sống thật đây, gian khổ đêm ngày

Mà cứ tưởng bay trong mơ ước.

Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau

Mà ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu

Chân dép lốp

Mà lên tàu vũ trụ”

Đọc những câu thơ (trong tác phẩm Một nhành xuân) nhà thơ Tố Hữu đã viết để ca ngợi con người Việt Nam mà xúc động biết bao. Quả thật là “lạ lùng thay” bởi chỉ bằng những bữa cơm “ít cá nhiều rau” nhưng với sự nỗ lực không ngừng, người Việt Nam không những đã “ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu” mà còn lên cả tàu vũ trụ. Và người đem lại niềm tự hào này cho tổ quốc chính là Trung tướng Phạm Tuân, người mà cách đây đúng tròn 35 năm đã cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorbatco thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Liên hợp 37.


Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và V.Gorbatko (7/1980). Ảnh: Phạm Tiến Dũng

Chuyến bay mang tầm vóc lịch sử

Chuyến bay lịch sử của hai nhà du hành vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân diễn ra trong 8 ngày, từ ngày 23 đến 31-7-1980.

Trước đó, được lựa chọn để tham gia chương trình Intercosmos, Phạm Tuân đã có thời gian rèn luyện trong khoảng thời gian 1 năm 1 tháng (đây là khoảng thời gian rèn luyện có thể xếp vào hàng kỷ lục, vì trước đó, để bay lên vũ trụ, mỗi phi công phải mất ít nhất 2 năm đào tạo).

Trong khoảng thời gian này, Phạm Tuân đã vượt qua các bài tập thể lực rất khắt khe dành cho phi công vũ trụ, bên cạnh đó là hoàn thành các chương trình học tập về cả lý thuyết lẫn thực hành dành cho phi công vũ trụ...

21 giờ 33 phút ngày 23-7-1980, tên lửa đưa tàu vũ trụ Liên hợp 37 khởi hành. Không lâu sau đó, mặt đất nhận được báo cáo: Tàu vũ trụ Liên hợp 37 đã vào quỹ đạo vệ tinh nhân tạo của Trái đất. Lúc này, nhiệm vụ của tàu vũ trụ Liên hợp 37 là ghép nối với tổ hợp Chào mừng 6 - Liên hợp 36 (Salyut 6-Soyuz 36).

Sau đó, hai nhà du hành vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân sẽ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cùng với hai nhà du hành vũ trụ khác của Liên Xô là L.Popov và V.Riumin.

Theo đúng kế hoạch, lúc 23h2’ (giờ Moskva) tàu vũ trụ Liên hợp 37 và trạm vũ trụ Chào mừng 6 đã ghép nối thành công. Khi nắp liên kết mở ra, người đầu tiên “bơi” vào trạm là Phạm Tuân, tiếp theo là Gorbatko. Hình ảnh Phạm Tuân “bơi” “chân trần” đã được ghi hình và gửi về Trái đất và sau đó được phát trên truyền hình.

Trong 8 ngày bay ngoài vũ trụ, các nhà du hành vũ trụ đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất; tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik.

Trong tình trạng không trọng lượng, các nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.

Sau những ngày làm việc khẩn trương và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37, hai nhà du hành vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân chuyển sang tàu vũ trụ Liên hợp 36 để trở về Trái đất. 18 giờ 15 phút ngày 31-7-1980, Khoang đổ bộ của tàu Liên hợp 36 đã hạ cánh chính xác xuống khu vực đã được định trước cách không xa sân bay vũ trụ Baikonur. Chuyến bay vũ trụ quốc tế có sự tham gia của nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, chuyến bay thắm tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, đã kết thúc thắng lợi.

Có thể nói, chuyến bay của hai phi công vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân là một biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt-Xô, là một sự kiện có tầm vóc lịch sử; biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết anh em, gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Liên Xô.

Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam đã trở thành nước châu Á đầu tiên chinh phục khoảng không vũ trụ.

Mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác chinh phục không gian

Đối với người Việt Nam, chuyến bay này là một sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa chính trị, khoa học, kinh tế quan trọng. Chuyến bay đã chứng minh trí tuệ Việt Nam có thể vươn dần lên với trình độ chung của khoa học thế giới. Nếu như trước đó, người Việt Nam còn là những người nô lệ mù chữ thì bằng ý chí quật cường, người Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ-đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xóa bỏ ách áp bức bóc lột trong xã hội, làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.

Thành công của chuyến bay đã tỏ rõ những khả năng to lớn của con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân Việt Nam đã làm chủ đất nước và cuộc sống, và còn vươn tới một thời kỳ phát triển rực rỡ hơn nữa trong lịch sử của mình.

Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ vũ trụ được xác định là một trong những công nghệ ưu tiên phát triển của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế này.

Năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” và từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho ứng dụng công nghệ vệ tinh như: xây dựng Trung tâm Viễn thám quốc gia, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam; thiết kế, chế tạo và phóng các vệ tinh viễn thông…

Nếu chuyến bay của Phạm Tuân là một dấu mốc quan trọng trong việc đưa người Việt Nam lên vũ trụ, thì sự kiện phóng thành công lên quĩ đạo Vinasat-1 vào ngày 19-4-2008, Vinasat-2 vào ngày 16-5-2012 và VNREDSat-1 vào ngày 7-5-2013 đã mở ra cho Việt Nam một giai đoạn mới trong hợp tác chinh phục không gian.

Hiếu Bình (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm