An ninh lương thực: Vấn đề hết sức hệ trọng trong bất ổn toàn cầu

18/03/2020 16:46 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được "ảo" trong vấn đề an ninh lương thực, đây luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19

Sáng 17/3/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động toàn dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi.

Sáng 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.

“Chúng ta phải quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đi liền với đó, chúng ta cũng thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác.

Trong bối cảnh đó, hội nghị này được tổ chức nhằm thảo luận về công tác bảo đảm an ninh lương thực, một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.

Chú thích ảnh
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực”, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện. Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới. Từ kết quả đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về các bài học, kinh nghiệm thành công.

Tuy nhiên, hội nghị này không chỉ nói thành tích mà còn bàn về những tồn tại, khuyết điểm, bàn về phương hướng phát triển, Thủ tướng đề nghị các đại biểu “mạnh dạn nói về các yếu kém của nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với an ninh lương thực nói riêng”. Ví dụ, chúng ta xuất khẩu trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. Do đó, phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý. Đó là một bài toán đặt ra hôm nay.

Đánh giá cao nỗ lực giữ diện tích trồng lúa của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng đặt vấn đề “sắp tới, giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới”. Đây cũng là bài toán cần thảo luận.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng quận Ba Đình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm trong đêm phục vụ người dân khu vực cách ly phố Trúc Bạch. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Bên cạnh đó là những vấn đề như hạ tầng nào chúng ta cần tiếp tục đầu tư trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến bảo quản làm sao khi mà thất thoát sau thu hoạch còn lớn, hiệu quả xuất khẩu như thế nào. Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiệu ca nhiễm COVID-19, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23 h đêm cho người dân, trong tình huống đó, “không có nguồn thì làm sao bảo đảm được”. Vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu, “đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo”. An ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Do đó, câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới.

Thủ tướng cho biết từ các ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị về an ninh lương thực thời gian đến và trình Quốc hội một dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị.

Theo Đức Tuân/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm