22/05/2021 11:24 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đã 15 ngày qua, dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng ngày đêm lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, nhằm khoanh vùng, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, không còn xa lạ với người dân nơi đây.
Với phương châm "tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm cần nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh", mỗi y, bác sĩ ở đây đều gắng sức làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ.
Thần tốc lấy mẫu
Mỗi khi phát hiện các ca F0, việc thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm là nhiệm vụ khẩn trương quan trọng nhất, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từng khẳng định “Bắc Ninh cần thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và trả lời kết quả xét nghiệm nhanh. Nếu trả kết quả xét nghiệm nhanh giờ nào thì hạn chế tốc độ lây lan dịch trong cộng đồng giờ đấy”.
Ngay từ khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, Bắc Ninh đã chỉ đạo ngành y tế khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm ở các ổ dịch. Xác định tính chất phức tạp tại ổ dịch Mão Điền, đêm 7/5, cơ quan chức năng đã lấy hơn 13.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người dân trong xã. Không quản ngại vất vả, hơn 100 y, bác sĩ phối hợp các lực lượng chức năng làm việc cả đêm để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong bộ quần áo bảo hộ cấp độ 3 bằng ni lông trắng, đôi tay liên tục thao tác lấy mẫu, liên tục hướng dẫn người dân phối hợp nhịp nhàng, chị Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Đây là lúc những cán bộ y tế phát huy vai trò tuyến đầu dập dịch. Với chị, 15 ngày qua là khoảng thời gian không thể nào quên. Các y, bác sĩ tại Trung tâm gần như “không có đêm”, mỗi người đều phát huy tinh thần tự giác “chống dịch như chống giặc”.
Khi mới phát hiện ca bệnh tại Mão Điền, ngành y tế dồn toàn lực cho huyện Thuận Thành, các y, bác sĩ "gồng mình" từ tối đến sáng, đôi chân tê dại, mất sức, nhưng khi nhìn thấy còn hàng nghìn người dân đang đợi lấy mẫu, họ lại tiếp tục cố gắng cho đến khi lấy mẫu xong. Nhiều y, bác sĩ kiệt sức, ngã gục, phải nhờ đồng đội đưa về.
Tuy nhiên, không vì thế các mà các y, bác sỹ chùn bước, chỉ cần có “mệnh lệnh” là những chiến binh áo trắng lại tiếp tục lên đường. Đối với chị Nguyễn Thị Hoàn và các đồng nghiệp, việc làm này không chỉ góp sức đẩy lùi dịch bệnh cho người dân Mão Điền, mà còn đảm bảo cuộc sống bình yên cho chính gia đình mình.
Chị Hoàn cũng là một trong những chiến binh áo trắng được giao trách nhiệm đưa 200 F1 đi cách ly tập trung. Nhiều người có lẽ lo lắng, chần chừ, nhưng với lòng nhiệt huyết, tinh thần quả cảm, chị xung phong lên tuyến đầu đưa họ đi cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm. Trong số này có hơn 10 người dương tính với SARS-CoV-2...
Vào một buổi chiều, khi tất cả anh em trong Trung tâm đã sẵn sàng đi lấy mẫu, tất cả các dụng cụ, đồ đạc đã được sắp xếp trên xe, chỉ đợi xe nổ máy, thì chị nhận được tin Trung tâm có 1 cán bộ dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều người hoang mang, lo lắng, nhưng chị Nguyễn Thị Hoàn nhanh chóng động viên toàn thể mọi người tuân thủ đúng quy trình phòng dịch khi làm việc, không để mình trở thành ổ dịch mới... .
Với mỗi y, bác sĩ trong tâm dịch, làm việc với cường độ cao, áp lực công việc lớn, nhưng việc mang trên người những bộ quần áo bảo hộ mới thực sự cực khổ. Khi lấy mẫu vào ban ngày, nhiệt độ ngoài trời 35 độ C, thì mặc bộ quần áo bảo hộ, nhiệt độ cơ thể lên tới 40 độ C. Hết buổi lấy mẫu, ai cũng mồ hôi ướt đầm, sốc nhiệt. Mọi người lại động viên nhau tiếp tục cố gắng.
Cùng với ổ dịch Mão Điền, các ổ dịch khác đã nhanh chóng lan rộng ra toàn huyện Thuận Thành, nhiệm vụ lấy mẫu, xét nghiệm để truy vết thật nhanh lại được đặt ở “cấp độ đỏ”. Nằm trong đội cơ động về tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Thuận Thành, anh Nguyễn Ích Chiến, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Ninh cho biết, 15 ngày qua những cán bộ lấy mẫu như anh chưa khi nào có được một giấc ngủ hay một bữa ăn theo đúng nghĩa. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều tranh thủ. Bất cứ khi nào có lệnh, anh lại lên đường. Trong nhóm lấy mẫu xét nghiệm của anh, nhiều cán bộ do đứng trong thời gian dài, chân đã bị phù, ra mồ hôi, sốc nhiệt. Hình ảnh những cán bộ y tế kiệt sức, nằm gục tại chỗ hay ngất đi trong khu lấy mẫu xét nghiệm đã không còn xa lạ.
Đẩy nhanh xét nghiệm
Từ trước đến nay, chưa lúc nào yêu cầu xét nghiệm nhanh gây áp lực với cán bộ xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh (CDC) đến vậy. Số ca mắc tại ổ dịch Mão Điền không giảm, xuất hiện thêm nhiều ca mắc trong cộng đồng, cùng với diễn biến phức tạp từ các ổ dịch tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức xét nghiệm lần 3 cho toàn bộ người dân tại xã Mão Điền, người dân tại các địa bàn có ca mắc cộng đồng; xét nghiệm diện rộng cho các công nhân ở khu công nghiệp, nhất là liên quan đến những người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bắc Giang.
Bác sĩ Ngô Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm- Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Ninh cho biết mỗi ngày chị luôn chỉ đạo các cán bộ trong đoàn đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, thần tốc báo cáo, làm sao để tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus. Vì thế từ khi có dịch, chị đều làm việc, trực chiến 24/24 giờ không phút ngơi nghỉ, việc trở về thăm nhà cũng chỉ tranh thủ.
Không khí trong khu xét nghiệm lấy mẫu PCR cũng chưa bao giờ hết nóng, 28 cán bộ tại đây được chia thành 3 ca, hoạt động hết công suất trong 24/24 giờ, chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút, từng giây xét nghiệm.
Khi số lượng ca F0 lớn, nhu cầu xét nghiệm sàng lọc càng lớn. Chỉ trong vòng 1 ngày, 3 hệ thống xét nghiệm PCR Realtime tại đây đã chạy liên tục để xét nghiệm hơn 10.000 mẫu gộp và hơn 1.000 mẫu đơn cho các trường hợp F1. Trong thời gian từ ngày 4-18/5, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Ninh xét nghiệm hơn 160.000 mẫu, trong đó có hơn 7.000 mẫu F1, hơn 13.000 mẫu F2 và 140.000 mẫu tại cộng đồng, sàng lọc diện rộng, các đối tượng khác.
Cuộc chiến chống COVID-19 còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm của các y, bác sĩ, mỗi vị trí đều có những gian nan nhất định. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn khó khăn, phức tạp, khi số lượng các ca mắc mới liên tục tăng, những y, bác sĩ tại tỉnh Bắc Ninh đang chạy đua với thời gian, một ngày làm việc bằng 2, bằng 3, chiến đấu kiên cường.
Chị Nguyễn Thị Huyền Ngọc, được trưng tập từ Bệnh viện Mắt Bắc Ninh phối hợp với các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian qua có lẽ là thời gian thử thách nhất trong quãng thời gian hoạt động trong ngành y của chị. Công việc đòi hỏi tỉ mỉ và thận trọng, nên mỗi người đều ở luôn trong phòng xét nghiệm ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Có những đêm, kíp của chị làm việc suốt từ khi 7 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ 30 phút sáng hôm sau.
Chị chia sẻ: Làm việc trong phòng thí nghiệm, điều quan trọng nhất là mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo hộ bản thân, làm việc tập trung cao độ bởi chỉ cần sơ suất, mẫu bắn ra ngoài, mình đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Mặc dù ở trong phòng xét nghiệm làm việc liên tục, trong bộ quần áo kín mít, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác, không được phép nhầm lẫn. Bởi, việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ những giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, đây còn là căn cứ xác định ổ dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch kịp thời.
Thần tốc truy vết
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với việc kích hoạt hệ thống chống dịch, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 6 đội đáp ứng nhanh, điều động luân chuyển nhiều cán bộ từ các khoa, phòng khác sang 2 khoa Xét nghiệm- Chẩn đoán hình ảnh và Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm- Kí sinh trùng- Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, nhằm thường trực đáp ứng công tác phòng, chống dịch ngay khi cần.
Cùng với đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thường trực tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, các cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiến hành giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly đối với các trường hợp F1 hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan tới ca bệnh. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, mỗi khi xác định các ca F0, ngay lập tức, đội quân truy vết căng mình chiến đấu.
Trong căn phòng chưa đầy 40 m2, hơn 20 người là các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh và các sinh viên tình nguyện đang thần tốc truy vết. Mặc dù làm việc dưới thời tiết oi bức, cả phòng chỉ vẻn vẹn 6 chiếc quạt treo tường, nhưng không vì thế mà tốc độ truy vết chậm lại. Mỗi người một chiếc máy tính và chiếc điện thoại liên tục những cú nhấp chuột, âm thanh bàn phím máy tính khẩn trương như thúc giục mỗi người cần thần tốc, thần tốc hơn nữa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm- Kí sinh trùng- Côn trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, bộ phận truy vết luôn hoạt động hết công suất. Đặc biệt, thời gian gần đây liên tục phát hiện các ca F0, F1, F2 thì việc truy vết càng gian nan vất vả. Các cán bộ ở đây đều làm việc ngày đêm.
Chỉ cần phát hiện 1 ca F0, cả phòng lại tập trung cao độ, mỗi người 1 việc, người gọi điện, người trực tiếp xuống gặp, xác định lịch sử dịch tễ và phối hợp tìm những trường hợp liên quan. Đến nay, liên quan đến 381 ca dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng truy vết đã xác định 3.586 trường hợp F1, gần 28.500 trường hợp F2.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Nguyễn Thanh Xuân, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh cho biết, mỗi khi có thông tin trường hợp F0, bất kể thời điểm nào, nhiều khi 12 giờ đêm chị vẫn phải gọi điện, trao đổi, tìm ra lịch trình. Với mỗi người làm công tác truy vết, chỉ cần chậm trễ một giây, một phút là những F0 đó có thể lây nhiễm ra rất nhiều đối tượng F1, F2 nếu không được thông báo kịp thời. Chỉ khi truy vết thật nhanh mới có thể khoanh vùng, cách ly hiệu quả, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế.
Khi được hỏi về gia đình, ánh mắt Xuân trùng xuống, những giọt nước mắt long lanh luôn trực trào. Xuân kể: “Đã hơn 10 ngày nay, em chưa về nhà. Em luôn cố gắng làm việc tốt nhất có thể, thậm chí mỗi ngày làm việc 15-16 tiếng chỉ mong nhanh chóng tìm ra các ca bệnh, khống chế dịch bệnh. Đặc biệt, gia đình em ở Thuận Thành nên em càng cố gắng để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho chính gia đình, làng xóm, quê hương mình”, Xuân nghẹn ngào nói.
Cuộc chiến chống dịch vẫn cam go, phức tạp, những "chiến binh" áo trắng vẫn đang ngày đêm quên mình trên trận tuyến không tiếng súng nhưng đầy rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các y, bác sĩ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.
Thanh Thương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất