Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Kiểm soát quyền lực bằng cách minh bạch thông tin'

30/08/2017 14:55 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - “Việc tạo lòng tin trong nhân dân rất quan trọng, nhưng lòng tin đó phải được thực hiện bằng việc công khai, minh bạch, phải làm thật, không vo tròn, che giấu khuyết điểm”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Đây là kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Nói như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc xây dựng kênh thông tin tương tác này là rất sáng tạo, rất quyết liệt, nếu không có bản lĩnh thì không dám làm; không có gì kiểm soát quyền lực tốt bằng cách minh bạch thông tin cho báo chí và người dân giám sát.

* Sau gần một năm thiết lập, từ 1/10/2016 đến 15/8/2017, website kết nối Chính phủ với doanh nghiệp đã chuyển xử lý 782/995 ý kiến doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó 646 ý kiến đã được xử lý (đạt 82,6%), còn 136 ý kiến đang chờ các bộ, ngành, cơ quan địa phương trả lời. Bộ trưởng có hài lòng với con số này?

Tỷ lệ giải quyết ý kiến của doanh nghiệp như vậy là rất cao. Theo công văn chỉ đạo của Thủ tướng, khi tiếp nhận các ý kiến Văn phòng Chính phủ chuyển đến, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, coi đó chính là nhiệm vụ Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương. Quan điểm trả lời phải thẳng thắn, sau đó người dân sẽ đánh giá phần trả lời ấy công khai.

Các bộ, ngành cũng giải quyết rất nghiêm túc. Bộ Tài chính có 234 ý kiến thì đã giải quyết 211 ý kiến, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xử lý 80/89 ý kiến, Bộ Công Thương xử lý 44/54 ý kiến, Bộ Xây dựng 35/37, Hà Nội 23/25, Hải Phòng 7/10, Cần Thơ 4/5 ý kiến được xử lý. Quan trọng là tất cả văn bản trả lời doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương đều được đăng tải công khai trên mạng, coi như cơ sở, tài liệu rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể cầm đến liên hệ với các cơ quan, địa phương để xem xét, giải quyết như một văn bản gốc. Dù lượng văn bản rất lớn nhưng trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký chuyển đến các cơ quan liên quan, theo dõi tiến độ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

* Còn việc xử lý ý kiến, kiến nghị của người dân thì như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Sau khi có kinh nghiệm kết nối, tương tác với doanh nghiệp, ngày 3/4/2017 chính thức mở website Chính phủ với người dân. Đây là sức ép và thử thách rất lớn cho Văn phòng Chính phủ với quan điểm không tăng biên chế, không tăng bộ máy, không điều động nhân lực từ nơi khác sang mà cán bộ của Văn phòng Chính phủ phải đảm nhiệm, kiêm nhiệm.

Từ 3/4-15/8, có 3.635 ý kiến phản ánh của người dân, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã lọc ra 737 ý kiến, chủ yếu phản ánh về đất đai, chế độ chính sách, cơ chế chính sách, các vấn đề liên quan đến xây dựng. Nhiều ý kiến chỉ đơn thuần phản ánh về chính sách không hợp lý, thái độ của cán bộ công quyền không nghiêm túc. Trong 737 ý kiến, đã có 373 ý kiến chuyển đến các bộ, ngành, địa phương, đã giải quyết 183 ý kiến.

Thực sự rất nhiều việc nhưng Bộ trưởng vẫn phải xử lý, vì đây là công khai. Trong khi đi công tác vẫn tranh thủ xử lý trên hệ thống công nghệ thông tin. Trên kênh tương tác này cũng kết cấu phần để người dân chấm điểm, thể hiện sự hài lòng của mình. Người dân có thể chấm điểm 0 cho cán bộ, lãnh đạo làm việc thiếu chuẩn mực và tất cả thông tin này đều được công khai, ai cũng có thể truy cập được.

* Có ý kiến, kiến nghị nào khiến Bộ trưởng thấy băn khoăn, trăn trở?

Rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trường hợp của những gia đình chính sách. Nhiều gia đình có người tham gia cống hiến, mất đi một phần xương máu, có người không về được, hay có người nhiễm chất độc da cam, tham gia thanh niên xung phong về không được chính sách gì, rất khổ tâm. Xét đến đều không đủ điều kiện, cần sự quan tâm tháo gỡ của Chính phủ. Có thể nói, bức xúc của người dân ở “bìa rừng, góc biển” cũng có thể được phản ánh tới Chính phủ.

Những phản ảnh đó chuyển đến Thủ tướng và Thủ tướng đều chỉ đạo luôn là cần xem xét lại, đánh giá thực chất vấn đề, những quyền lợi chính đáng của họ phải giải quyết ngay. Khi tiếp nhận những việc như vậy cũng nhiều cảm xúc, nhiều trăn trở. Tôi chỉ băn khoăn một điều là có những việc không đáng mà để người dân kêu ca rất nhiều, nếu cơ quan, địa phương ấy quan tâm, làm tốt thì đã không có chuyện từ xã đẩy lên huyện, từ huyện đẩy lên tỉnh, để người dân kêu trong thời gian dài.

Tôi cũng động viên anh em cần phải quyết tâm, có những bộ, ngành cần phải đôn đốc đến lần thứ 3 chứ không phải tự nhiên mà ra. Văn phòng Chính phủ phải xử lý những điểm chưa thống nhất, xung đột của các bộ. Khi trả lời rồi mà họ chưa đồng ý thì Văn phòng Chính phủ phải đứng lên xem xét, giải quyết cho tâm phục, khẩu phục. Có những việc phải cho anh em xuống tận nơi, trao đổi trực tiếp xem thực tế có đúng không, chứ ngồi văn phòng không nắm hết được, đôi khi giấy tờ hồ sơ gửi đến không thể hiện hết được, mà nếu nghe địa phương thì cái gì cũng đúng. Nếu không vì trách nhiệm thì không dám nhận cái gì, sẽ đổ hết cho người khác.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm rất lớn, phải sàng lọc, chuyển thông tin và đôn đốc. Trực tiếp tôi đã có lần gọi điện cho Bộ trưởng đề nghị quan tâm giải quyết sớm, có những văn bản tôi ký đến 3 lần, giao cho các Vụ thông báo đến các cơ quan.

Đầu tiên trong nội bộ cơ quan cũng nhiều ý kiến, bảo thế này thì sao làm được. Thủ tướng hỏi có làm được không, chúng tôi báo cáo không làm được cũng phải cố mà làm. Chuyển Chính phủ từ quản lý hành chính theo kiểu mệnh lệnh sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, nếu không quyết tâm mà cứ né tránh, sợ thì không thể làm được. Thời gian chưa nhiều, kết quả chưa nhiều nhưng hết sức tâm đắc, anh em Văn phòng Chính phủ quyết tâm làm được mong ước của Thủ tướng.

Coi thường tính mạng, người dân vớt củi trong lũ dữ

Coi thường tính mạng, người dân vớt củi trong lũ dữ

Suốt chiều dài gần 10km dọc suối Nậm Mức có 5 điểm người dân tập kết về để vớt củi. Tại mỗi điểm vớt củi này, mỗi ngày có hàng chục người bất chấp lao ra vớt củi trôi trên dòng nước lũ.

* Từ việc ứng xử thiếu chuẩn mực của một số cán bộ, công chức thời gian qua hay việc co kéo lợi ích nhóm, né tránh trách nhiệm, đẩy việc lên Thủ tướng của bộ, ngành, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Chính phủ có giải pháp gì để khắc phục?

Nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của các cơ quan hành chính. Thủ tướng đã nêu chủ đề năm 2017 là năm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nhiều vấn đề phải giải quyết từng bước, không thể một chốc, một lát được. Thể chế chính sách chưa hoàn thiện, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ, cơ chế rộng mở hơn… cũng có những tác động nhất định.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý cương quyết hơn nên vấn đề kỷ cương, kỷ luật sẽ tốt hơn. Siết kỷ luật, kỷ cương phải có lộ trình, tạo ra sự chuyển động phải mạnh mẽ, đồng bộ. Giải pháp căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, có quy định trách nhiệm người đứng đầu, tạo ra sự phân cấp rõ rệt, cộng với việc xử lý nghiêm túc, khách quan, tốt là khen, không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật. Minh bạch và không có vùng cấm.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ rà soát cấp phó của từng cơ quan, đơn vị, yêu cầu chấn chỉnh các vi phạm. Việc này tạo ra lòng tin của dân. Việc tạo lòng tin trong nhân dân rất quan trọng, nhưng lòng tin đó phải được thực hiện bằng việc công khai, minh bạch, phải làm thật, không vo tròn, che giấu khuyết điểm. Nó ảnh hưởng đến lòng tin ban đầu nhưng tạo ra lòng tin bền vững. Lòng tin khi được Chính phủ, người đứng đầu quan tâm chỉ có tốt hơn thôi.

Bây giờ các văn bản gửi lên Chính phủ, Thủ tướng đã giảm rất nhiều. Không đẩy việc lên mà làm ngay từ văn phòng, làm theo phân cấp. Trách nhiệm của bộ thì bộ phải làm, của địa phương thì địa phương phải làm, nhưng việc này phải kiểm tra giám sát chứ không phải đẩy việc đi. Văn phòng Chính phủ sẽ cải cách bằng minh bạch và công nghệ thông tin, cải cách trước một bước để làm gương. Chậm văn bản, không làm được, thuộc trách nhiệm của ai, người đó có trách nhiệm.

Văn phòng Chính phủ sẽ có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng đi sâu cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, không tạo rào cản giấy phép con, không sinh ra các rào cản khác, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân; không để quyền lợi co kéo về nhóm người của bộ nào. Việc không phải chức năng thì anh không được làm.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Chu Thanh Vân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm