18/08/2020 16:10 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế: Hạn chế đi ra ngoài; khi ra ngoài phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn… như những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương tích cực vào cuộc, tăng cường kiểm tra, nhất là việc đeo khẩu trang của người dân; đồng thời xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện vi phạm.
Đây là khuyến cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong cuộc họp sáng 18/8, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.
* Cảnh báo nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới trên cả nước
Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam từng bước được khống chế, hạn chế lây lan rộng ra cộng đồng. Số trường hợp mắc COVID-19 mới đã giảm trong những ngày gần đây (trung bình 20 trường hợp/ngày trong thời gian từ ngày 3-9/8 xuống khoảng 10 trường hợp/ngày từ 10-17/8). Dự kiến, cuối tháng 8/2020 có thể kiểm soát ổ dịch này. Trên tinh thần cảnh giác tuyệt đối, các lực lượng tiếp tục tăng cường truy vết; mở rộng xét nghiệm cho đối tượng.
Liên quan đến các ca nhiễm ở Hải Dương, nhận định ban đầu của Bộ Y tế cho thấy, nguồn bệnh bắt đầu xâm nhập tại quán Thế giới bò tươi (36 Ngô Quyền, thành phố Hải Dương) từ khoảng ngày 25-27/7. Xác định sẽ xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng thời gian tới, Hải Dương tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết, xét nghiệm… Hiện toàn tỉnh đã xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu; truy vết 800 ca F1; mở rộng xét nghiệm ca F2; lấy mẫu của nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện, phòng khám và khu vực nghi ngờ… Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh, Bộ Y tế cử lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm, điều trị trên tinh thần “tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể”.
Cùng với đó, từ ngày 23/7 đến 17/8, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc mới. Hầu hết các trường hợp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương. Hà Nội đang khẩn trương triển khai lấy mẫu trên diện rộng. Đến nay, Bộ Y tế phối hợp với Hà Nội lấy 50.602/70.000 mẫu; đã thực hiện xét nghiệm 28.478 mẫu.
Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: “Các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi".
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước đó các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo ở mức độ cao trong cộng đồng nhưng người dân thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chủ quan. Trong khi lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm và hạn chế nguồn lây.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25/7 đến 17/8, Việt Nam đã xét nghiệm Realtime RT-PCR hơn 342.000 mẫu. Đặc biệt, số lượng xét nghiệm trong các cơ sở bệnh viện đã tăng lên (từ 10% lên 40%). Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo bệnh viện tuyến trung ương thành lập phòng thí nghiệm có năng lực xét nghiệm lớn để hỗ trợ địa phương trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh trên diện rộng.
“Sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời trong công tác xét nghiệm của các cơ quan trung ương là bài học quan trọng trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng; qua đó không chỉ nâng công suất xét nghiệm mà còn hỗ trợ Đà Nẵng chủ động xét nghiệm trên diện rộng”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị, toàn bộ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém; ứng dụng NCOVI để khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.
* Không cho phép xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và quốc tế. Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, hiện nay nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên động vật trước khi thử nghiệm trên người. “Vaccine được sử dụng ở nước ngoài, khi nhập về, Việt Nam không thử nghiệm trên động vật nhưng chắc chắn vẫn phải thử nghiệm trên người để đảm bảo hiệu lực an toàn. Thông thường, quy trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí một vài năm trước khi được tiêm chủng rộng rãi”, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết.
Trước khi có vaccine hữu hiệu hoặc thuốc đặc trị, các chuyên gia nhấn mạnh tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác trong thời gian dài, trên tinh thần “chung sống an toàn với dịch bệnh”.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trong nước, các chuyên gia đánh giá, việc triển khai đúng đắn, mạnh mẽ, quyết đoán các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó. Hải Dương đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết như: Giãn cách xã hội tại thành phố Hải Dương; phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tạm dừng các hoạt động không thiết yếu… Do đó, các chuyên gia cho biết, tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.
Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh hiện hữu trên cả nước, các chuyên gia đề nghị nâng cao mức cảnh báo, đặc biệt tại đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao…; đồng thời bảo vệ chặt các cơ sở y tế, trung tâm dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội; đảm bảo sức khỏe lực lượng y bác sĩ, bộ đội, công an…
Các chuyên gia đề nghị, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo xét nghiệm hiệu quả, tiết kiệm. Trên tinh thần đó, Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất không cho phép xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Các phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo. Cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm dịch vụ sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Bên cạnh đó, thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương tiếp tục quản lý, tổ chức cách ly chặt chẽ hơn 100.000 chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Qua kinh nghiệm chống dịch của các nước trên thế giới và Việt Nam, các chuyên gia đề nghị tiếp tục tăng cường giải pháp kỹ thuật định vị người có nguy cơ, phục vụ công tác truy vết và thực hiện xét nghiệm hiệu quả. Bên cạnh việc hoàn thiện và khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng Bluezone, NCOVI, các chuyên gia đề nghị có thể bắt buộc một số đối tượng sử dụng như chuyên gia từ nước ngoài vào, người ở trong vùng dịch thuộc diện F1, F2…
Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an nghiên cứu, thống nhất, báo cáo Chính phủ về điều kiện kỹ thuật pháp lý cũng như sự cần thiết của việc bắt buộc cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI.
Biểu dương sự chỉ đạo cần thiết, kịp thời, hiệu quả của một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, sự vào cuộc của người dân, chính quyền là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều trường hợp trở về từ vùng dịch có ý thức cách ly, khai báo y tế; đây không chỉ là nghĩa vụ của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước.
Diệp Trương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất