12/02/2018 10:40 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Mâm cúng ngũ quả rất được xem trọng ở mỗi gia đình ngày Tết, bởi nó thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới.
Theo quan niệm của nhân gian thì “ngũ quả” chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm Giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ.
Theo đó, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên; hay quy luật đất trời theo ngũ hành: 5 màu của quả tượng trưng cho Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng).
Từ những quan niệm này, mâm ngũ quả miền Bắc thường bày 5 loại quả có màu sắc khác nhau theo ngũ hành như: Chuối xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm (sapôchê) hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.
Còn ở miền Nam, các loại quả trong mâm khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, theo ước nguyện cầu mong của gia chủ như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm, bưởi, thanh long…
Ý nghĩa một số loại quả được dùng trong mâm ngũ quả như sau:
Chuối xanh: Tượng trưng cho cho mệnh Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa che chở, đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết. Nải chuối xanh được để dưới cùng của mâm ngủ quả, nâng đỡ các loại quả khác đã nói lên điều đó.
Phật thủ: Trái phật thủ những năm gần đây trở nên thông dụng trong mâm ngũ quả bởi như tên gọi, Phật thủ là bàn tay Phật đang che chở, bảo vệ, phù hộ cho gia đình gia chủ.
Bưởi: Được đặt trên nải chuối xanh, tượng trưng cho phúc lộc với mong muốn an khang, thịnh vượng.
Thanh long: Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn ở tên gọi, bởi theo quan niệm người dân, nếu như đầu năm được rồng ghé thăm nhà thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc.
Dưa hấu: Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn. Quả căng tròn mọng nước, ngọt thanh tượng trưng sự sung túc và căng tràn sức sống. Hiện dưa hấu ruột vàng cũng được lựa chọn nhiều vì màu vàng cũng là màu may mắn.
Đu đủ: Giống như tên gọi của nó, chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam mang theo mong muốn được sự đầu đủ,thịnh vượng trong cuộc sống không những trong kinh tế mà còn cả tình cảm.
Xoài: Người miền Nam phát âm là “xài”, ý muốn cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.
Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý muốn cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.
Sung: Người ta chọn sung để biểu trưng cho sự sung mãn không những về tình cảm, sức khỏe mà về cả tiền bạc, như cái tên vốn có của nó.
Thơm (miền Nam gọi là khóm): Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng) với ý nghĩa mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.
Cam, quýt, chanh: Người ta tin rằng ba loại trái này có thể mang lại may mắn do hương vị dễ chịu và tinh khiết của nó, tránh được những điều xui xẻo.
Nho: Trong phong thủy, nho tượng trưng cho sự tạo ra sự phong phú của cải vật chất. Nho cũng đại diện cho sự thành công. Đôi khi, nho cũng được sử dụng như là công cụ phong thủy cho việc hóa hung thành cát, biến vận hạn rủi ro thành may mắn.
Ngoài ra, một số loại trái cây khác cũng được sử dụng trưng trên mâm ngũ quả như lựu tượng trưng cho con đàn cháu đống; quả đào thể hiện sự thăng tiến; quả táo thể hiện sự phú quý, giàu sang; quả lêkima (trứng gà) thể hiện lộc trời cho...
Theo M.T/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất