Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức người trong cuộc

26/08/2015 14:00 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức cuộc gặp mang tên Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội với các vị lão thành cách mạng đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

70 năm đã qua, những nhân chứng còn lại không nhiều, 11 vị lão thành cách mạng tham dự cuộc gặp, người ít tuổi nhất cũng đã 89, cụ cao tuổi nhất đã tròn 100 tuổi.

Nhớ về sự kiện phá cuộc mít tinh ngày 17/8/1945

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, người chụp ảnh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 17 và 19/8/1945, nguyên Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu kể lại: “Về Cách mạng tháng 8, tư liệu rất nhiều, nhưng đến giờ lớp trẻ vẫn chưa biết rõ thành công của Xứ ủy Hà Nội trong việc phá cuộc mít tinh ngày 17/8 của Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc đó, tình hình Hà Nội căng như sợi dây đàn, nhằm lấy lại tinh thần, chính quyền bù nhìn ra lệnh tất cả công chức phải tham gia mít tinh ngày 17/8 để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim và việc phá cuộc mít tinh này là sự kiện góp phần vào thành công của cuộc tổng khởi nghĩa”.    


Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại tại cuộc gặp

Đồng ý với Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, cụ Lê Đức Vân (89 tuổi) từng phụ trách thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách báo Hồn Nước chia sẻ: “Việt Minh tổ chức phá cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn ngày 17/8 và sau đó là cuộc tuần hành kéo dài tới nửa đêm khắp các con đường Hà Nội, chuyện phá kho thóc Nhật ở làng Quan Nhân, 3 mũi tiến công của Việt Minh chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), chiếm Tòa Thị chính, Tòa án, chiếm trại Bảo An binh”.

Tham dự cuộc gặp có cụ Từ Ngọc Hoan, cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, em gái cụ Từ Ngọc Trang, người diễn thuyết trên quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945.

Cụ nhớ lại, sau khi cùng chị gái có mặt tại cuộc mít tinh ngày 17/8 tại Nhà hát Lớn, cụ Hoan còn tham gia cuộc tấn công vào trại lính Bảo An (phố Hàng Bài) trong vai trò liên lạc viên: “Chiều 19/8, 400 lính Bảo An vứt súng, mang cờ trắng đầu hàng. Cổng trại mở toang, quân lính giao nộp vũ khí cho cách mạng. Liệu có bao nhiêu cuộc tấn công vào trại lính lại không dùng bạo lực, không nổ phát súng nào mà lại bắt sống được 400 quân địch và cướp được cả kho vũ khí lớn như thế?”.

Cuộc cách mạng của toàn dân

Cụ Trần Vân Nội chia sẻ: “Tôi thấy chỉ đạo từ Trung ương theo tư tưởng Bác Hồ từ bài Hòn đá to đã quán xuyến được tất cả: “Hòn đá to, hòn đá nặng/ Chỉ một người, nhấc không đặng/ Hòn đá to, hòn đá nặng/ Nhiều người nhấc, nhấc lên đặng”. Việc vận động quần chúng, làm cho quần chúng hưởng ứng thì sẽ thành một sức mạnh rất vĩ đại”.

Cụ Nguyễn Phúc Chí, đội viên Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, người phá cửa xông vào chiếm kho súng Bảo An cho biết: “70 năm rồi, bây giờ nghĩ lại, tôi rất hân hoan vì mình cũng có chút ít nào đấy trong sự đóng góp chung”.


Các vị lão thành cách mạng chụp ảnh lưu niệm

Đại tá Nguyễn Hải Hùng (90 tuổi), cựu đội trưởng đội tự vệ xung phong ngoại thành Hoàng Diệu, nguyên Cục phó Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, người phụ trách phong trào Việt Minh khu vực ngoại thành Hà Nội chia sẻ: “Tuổi già có lúc quên quên nhớ nhớ, nhưng từng chi tiết nhỏ trong ngày cùng hàng vạn người xuống đường đánh chiếm trại lính Hoàn Long không phai mờ trong tâm trí tôi. Ngày đó, cuộc đánh chiếm trại lính đã lôi cuốn cả người già, trẻ con đi theo cách mạng. Trên đường đi, chúng tôi gặp quân Nhật cầm súng ngồi trên xe ô tô đi lại rất đông, nhưng cả đoàn không va chạm với quân Nhật”.

Bước sang tuổi 100, cụ Nguyễn Văn Trân nguyên là bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ chia sẻ: “Cách mạng Tháng 8 là cuộc cách mạng của toàn dân, nếu Đảng mà không nắm được dân thì không thể thành công”.

Bài học nhân lên sức mạnh

Cụ Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái nhà văn hóa Dương Quảng Hàm) chia sẻ nhiều kỷ niệm về những người phụ nữ Hà Nội góp phần cho thành công của Cách mạng tháng 8 và đặc biệt là kỷ niệm kéo cờ ngày 2/9 lịch sử: “Sáng 2/9/1945, tôi diện quần trắng, áo dài đứng đầu Đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về dự ngày lễ trọng đại tại quảng trường Ba Đình. Tôi cùng một nữ du kích người Tày được tin tưởng giao nhiệm vụ kéo cờ trong tiếng nhạc tiến quân ca. Sau đó, chúng tôi về đội hình của mình cùng hàng vạn người lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập mà không kịp hỏi tên nhau...

Khi Bác dừng lời hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? tất cả chúng tôi đều xúc động trào nước mắt vì sự giản dị, gần gũi của Người”.

Tham dự cuộc gặp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ sự xúc động, ông nói về bài học Cách mạng Tháng Tám và vận dụng bài học đó vào hiện tại, đó là bài học trong lúc khó khăn ta vận động nhân dân, để sức mạnh một người nhân lên gấp mười, gấp trăm lần.

Với tư cách nhà sử học, GS Phan Huy Lê khẳng định: “Đây là trang sử huy hoàng nhất của mặt trận Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lớn lao như trong cách mạng Tháng Tám. Để nghiên cứu Cách mạng tháng Tám, các nhà làm sử phải dựa vào nhiều nguồn tư liệu, trong đó có hồi ức sống động của các nhà lão thành cách mạng.

Gặp được các cụ là một diễm phúc

Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: “70 năm, còn được gặp các cụ, nghe các cụ nói là một diễm phúc lớn. Trực tiếp nghe những người đã làm nên cuộc cách mạng lịch sử nói chuyện, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sẽ hiểu được vì sao khi Nhật - Pháp bắn nhau thì chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á giành được chính quyền, đặc biệt là giành chính quyền mà không nổ súng”.

An Như - Mỹ Anh (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm