(lienminhbng.org) -
Cây chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) năm nay chết nhiều. Cùng với nó, nguồn thu của đồng bào người Mông (chiếm 98% ở đây) cũng đã bị suy giảm. Song không vì lẽ đó mà “cái” xuân đến chậm. Cũng chẳng bởi thế mà đồng bào người Mông nơi đây không say sưa với cái Tết lưng trời. Bên con thác Tập Lang rầm rĩ khúc ca của ngọn núi già, một mùa xuân với những quả pao, con cù (con quay) như trong
Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài được tái hiện.
1. Chúng tôi đặt chân đến Suối Giàng lúc đầu giờ chiều. Giữa trưa mà trời như chập tối, mây bảng lảng đậu đầy vai những vị khách lạ. Tiếng khèn rộn rã dìu chân chúng tôi đến một bãi đất bằng phẳng rộng chừng ngàn mét vuông. Hôm nay chưa phải chính hội. Nhưng đã có hàng trăm đồng bào Mông váy áo sặc sỡ, nụ cười rạng rỡ náo nức cả một góc trời.
Theo lời kể của anh Giàng A Tủa, Tết ở đây bắt đầu từ 29 tháng Chạp. Trước kia Tết kéo dài cả tháng. Trong những ngày này, đồng bào dùng gần như hết số của cải để ăn Tết, du xuân, chơi hội. Và cứ thành thông lệ, khi cái Tết linh đình vừa đi qua, cái nghèo, cái đói lại đặt chân đến.
Nhiều bạn sinh viên đã rời thành phố đến xem cái Tết lưng trời từ sớm
|
Không chịu khổ mãi thế, người Mông dần "kéo" ngày Tết ngắn lại. Nay đồng bào Mông ở Suối Giàng đón Tết chỉ còn chừng 10 ngày: từ mồng 1 đến mồng 3 là để đi thăm bạn bè, họ hàng; mồng 4 đến mồng 7 là du xuân, chơi hội.
Dù ngắn, dù dài, ý nghĩa của ngày hội xuân với những người Mông ở Suối Giàng vẫn không thay đổi. Đây là ngày để những người phụ nữ diện những bộ váy xòe đẹp nhất; ngày để đám trẻ thỏa sức chơi đùa, cánh đàn ông thì uống rượu ngây ngất, trai gái thì lúng liếng tìm bạn đời qua những trò chơi dân gian.
2. Thiếu nữ Mông tìm niềm vui ngày xuân trong trò ném pao. Quả pao cứ ném đi ném lại khiến những người dưới xuôi lên chơi thử cảm thấy nhạt nhẽo. Song niềm vui của người Mông không phải là chỉ ném ném, bắt bắt. Mà đúng như lời ca trong truyện Tô Hoài: "Anh ném pao sao em không bắt/ Em không yêu quả pao rơi rồi". Và ném pao như một trò chơi qua lại thú vị về trao duyên, bắt duyên của những đôi lứa trẻ vùng cao.
Đám đàn ông đánh quay có phần ồn ã hơn. Những con quay to cộ được quất xa cả chục mét vẫn trúng phóc. Theo Vàng A Dê, trò chơi này vừa để giữ ấm cho những ngày Tết, vừa để thi thố “bản lĩnh đàn ông” của đồng bào Suối Giàng.
Những em bé nhỏ người Mông cũng theo mẹ chơi xuân
Thiếu nữ Mông tìm niềm vui ngày xuân trong trò ném pao
Các bé gái tập ném pao từ nhỏ
Và rạng ngời bên trái pao khi “mùa xuân chín”
Đàn ông thể hiện sức mạnh với trò đánh quay
Cả lũ trẻ trai cũng có “sân chơi” riêng
Lũ bé gái khác lại đứng trên mỏm đất cao xem hội
Trong niềm vui ngày xuân, cờ Tổ Quốc mãi rực rỡ trên đầu |
Phạm Mỹ