Chiếc mũ của Napoleon trở về Waterloo

04/04/2015 14:09 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Ngôi làng nhỏ Waterloo trên đất Vương quốc Hà Lan (ngày nay thuộc Bỉ) nổi tiếng không nhờ ban nhạc pop ABBA, mà vì nó mãi mãi đánh dấu thảm bại kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của hoàng đế Napoleon Bonaparte, nhà chính trị và quân sự thường được coi là vĩ đại nhất mọi thời. Vào ngày 18/6/1815 đen tối ấy, con người oai hùng ném cả áo mũ lẫn cây gậy thống chế để chạy thoát thân.   

Khi khói súng nhạt đi

… thì tầm nhìn của hậu thế thường lệch lạc đôi chút. Mọi chi tiết bi thảm bị mờ dần, và khán giả quan sát mọi sự từ xa như một trận đá bóng. Với Waterloo cũng vậy. Bây giờ người ta chỉ ưa nhớ đến một số giai thoại, ví dụ như về vị tướng Cambronne với đội cận vệ của Napoleon trong vòng vây của quân đồng minh đã hét lên: “Đội cận vệ sẽ chết chứ không hàng, merde!”, hay tướng Picton đội mũ phớt và mặc đồ dân sự ra trận vì bộ phận quân nhu đánh lạc mất quân phục của ông. Hoặc nguyên soái Ney, không hề dính một mảnh đạn trong khi 5 con ngựa ông cưỡi bị bắn chết!   

Waterloo hôm nay là một thị tứ nhỏ khá tẻ nhạt cách Thủ đô Bruxelles 15 cây số với khoảng 3 vạn dân, họ nói tiếng Pháp vì đã quên quá khứ Hà Lan. Cuộc chiến khốc liệt mang tên Waterloo kỳ thực diễn ra ở làng Braine l’Alleud bên cạnh, nhưng tổng hành dinh của nguyên soái đồng minh Wellington nằm ở Waterloo. Nhân thể nói luôn là cả thế giới cũng đọc tên làng này sai toét theo kiểu Anh. Có gì lạ đâu. Như thường thấy trong sử sách, phe thắng trận ấn định ngôn ngữ, và người Anh chắc không phát âm nổi chữ “Braine l’Alleud”.


Chiếc mũ Napoleon ở Bảo tàng Sens, sẽ cho Waterloo mượn

Đống xác chết vừa được dọn đi thì đám khách du lịch và nghệ sĩ tràn đến. Gốc cây du khổng lồ tỏa bóng mát xuống đầu nguyên soái Wellington ngày nào bị những kẻ săn lưu niệm vặt trụi. Thi sĩ Byron vĩ đại đã tới chiến trường này và tức cảnh sinh tình sáng tác một bài. Có tới 7 phim được dựng về cuộc chiến Braine l’Alleud, xin lỗi, Waterloo, và tùy thuộc vào nước xuất xứ hay quan niệm lịch sử mà các đoàn phim để lại tổng cộng 175 đài kỷ niệm cho từng quốc gia, từng đạo quân và nhóm lính tử trận. Chiến trường nổi tiếng nhất thế giới này mỗi năm đón 2 triệu khách đến xem diễn lại trận đánh hai tuần một lần, và 125 địa phương trên địa cầu này, thậm chí tận Sierra Leone ở Tây Phi xa lắc, tự đặt tên là Waterloo.  

Đa số các nhà sử học

… tìm nguyên nhân thất bại của Napoleon ở chính ông. Hồi đó Napoleon đối đầu với đám quân đồng minh ô hợp từ Anh, Hà Lan, Bỉ, Phổ... Quân Pháp được coi là tinh nhuệ hơn, và đối thủ của họ thậm chí còn không cùng ngôn ngữ. Song hình như Napoleon khinh thường quân đồng minh quá đáng. Ở điểm này ông giống Hitler: Cả hai đều muốn thâu tóm châu Âu và thế giới, và cả hai tự cho mình là thiên tài quân sự. Hôm đó là sinh nhật thứ 46 của ông, nhưng thay vì được binh lính tung hô thì ông chạy bán sống bán chết, bỏ lại cả kiếm, mũ, áo choàng. Napoleon không đơn thuần thua trận, mà ông đã làm sụp đổ một huyền thoại và cả đế chế Pháp. Sau này Hội nghị thành Vienna sẽ vẽ lại biên giới trong nội bộ châu Âu.

Sau trận đánh, Wellington viết báo cáo gửi vua Anh và được tặng danh hiệu ”Hoàng tử vùng Waterloo“, sau này còn lên ngôi thủ tướng. Mỗi năm ông mở tiệc mời các cựu binh ngày xưa. Nước Pháp bị chiếm đóng ba năm trời và phải bồi thường chiến tranh. Pháp rớt khỏi vị trí cường quốc tiềm năng. Anh, Mỹ, Nga và Đức trụ lại. Waterloo rồi sẽ còn trải qua hai cuộc thế chiến nữa. Nhưng kết quả nhãn tiền của Waterloo là mấy thập niên hòa bình. Năm 1826 người ta đắp một quả đồi, trên đỉnh là một con sư tử đúc bằng vũ khí thu được của quân Pháp. Dưới chân đồi là một loạt bảo tàng, triển lãm hình sáp, hai rạp phim và một phòng tranh toàn cảnh khổng lồ.


Tranh toàn cảnh trận Waterloo

Từ bao năm nay

… du khách có thể chiêm ngưỡng một chiến lợi phẩm quan trọng của Wellington: chiếc mũ mà Napoleon vứt lại trên đường tẩu thoát. Bảo tàng ở Sens (Pháp) năm nay cho Waterloo mượn chiếc mũ ấy để trưng bày nhân kỷ niệm 200 năm hậu Waterloo, nơi 5 vạn lính từ nhiều quốc gia bỏ mạng.

Không chỉ chiếc mũ, mà cả bộ quân phục xanh trắng của vị hoàng đế thiên tài ấy bị rơi vào tay quân đồng minh. Và người ta được quyền suy đoán là người Pháp không vui vẻ gì khi bị bêu xấu một lần nữa. Có những thất bại không phai nhòa, cả sau 200 năm, và người Pháp rõ ràng chưa vượt qua được nỗi nhục nhã mang tên Braine l’Alleud hay Waterloo. Có thể thấy điều đó khi báo chí tuần qua đăng tin Chính phủ Pháp gửi công hàm phản đối nhà chức trách Bruxelles có kế hoạch phát hành đồng xu 2 euro với hình Waterloo. Hành vi này “có thể gây ra phản ứng thù nghịch ở Pháp”, như bức thư gửi Hội đồng Liên minh châu Âu nhấn mạnh. Paris cho rằng đồng xu ấy đe dọa toàn bộ liên minh tiền tệ euro (!), vì “đồng xu với biểu tượng tiêu cực đối với một phần người dân châu Âu sẽ làm tổn hại trong ngữ cảnh mà chính phủ các nước dùng đồng euro đang nỗ lực củng cố sự thống nhất và hợp tác giữa các quốc gia đó”.        

Rủi thay, Bruxelles đã đúc xong 175.000 đồng 2 euro với biểu tượng chiến thắng của quân đồng minh, ném chỗ tiền đó vào lò sẽ đem lại một thiệt hại chừng 5 vạn euro. Và Bộ Tài chính Bỉ quyết tâm gỡ lại bằng một trò mèo: Họ cho đúc một loạt đồng xu mệnh giá 3 euro và 5 euro để bán làm kỷ niệm, và do đây không phải tiền nên các quốc gia dùng đồng euro khác không thể can thiệp.

Nghe cứ như chuyện trẻ con, nhưng mà có thật. Và trớ trêu thay, người Pháp đâu có chạnh lòng khi tự mình kiếm được tiền: Ở triển lãm kỷ niệm trận Waterloo người ta có thể mua đồng xu 2 euro có biểu tượng Waterloo, được phát hành bởi Monnaie De Paris - công ty sản xuất tiền xu của Nhà nước Pháp.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm