23/10/2016 07:09 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Sở VHTT&DL Bắc Giang và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam vừa tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại khu vực di tích đền, chùa Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích đền, chùa Hả cho thấy, tại khu vực đền Hả đã xác định có hai lớp kiến trúc thuộc hai giai đoạn sớm muộn khác nhau là lớp kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) và lớp kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trong đó đáng chú ý tìm thấy vết tích móng bó được xây tận dụng bằng nhiều loại gạch có niên đại thời Đông Hán - Lục Triều (thế kỷ III - V), đan xen là những viên gạch thời Lý - Trần.
Một trong 9 hố đào cho thấy dấu vết của nền móng kiến trúc cổ. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy móng kiến trúc được xây dựng vào thời Trần (khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV). Đồng thời khu vực khảo cổ xuất hiện các đống đổ trạt vật liệu ngói mũi hình tam giác thời Trần, đan xen là các mảnh ngói mũi hình vảy cá thời Lý, các mảnh gạch bìa thời Đông Hán - Lục Triều, thời Lý - Trần, các mảng phù điêu trang trí bằng đất nung màu xám xanh thời Lê - Mạc.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho biết, kết quả rất đáng ghi nhận. Đó là đã xác định lớp văn hóa, kiến trúc từ thời Lý qua thời Trần, thời Lê rồi đến thời Nguyễn, khẳng định lịch sử lâu đời của di tích trong quần thể di tích và mảnh đất lịch sử Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Di tích đền Hả là di tích lịch sử cấp quốc gia, lưu giữ 21 đạo sắc của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng cho vị Tôn thần và các vị Chi thần được thờ phụng nơi đây.
Thảo Nhi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất