11/07/2017 22:09 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 11/7, tại thành phố Quy Nhơn, 20 ngư dân có tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ bị hư hỏng đã cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (Nam Định) họp bàn và đi đến thống nhất cơ bản đối việc sửa chữa tàu vỏ thép.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc, người được ủy quyền thay mặt lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, việc sửa chữa các tàu vỏ theo do đơn vị này thi công bị hư hỏng sẽ được bắt đầu từ ngày 12/7.
Cũng trong ngày 11/7, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 3535/UBND-KT đồng ý với các phương án và địa điểm sửa chữa các tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu sẽ phải sửa chữa 15 tàu; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương phải sửa chữa 5 tàu. Điểm sửa chữa là Xí nghiệm đóng tàu Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Thời gian sửa chữa từ nay đến hết tháng 8/2017.
Theo phương án sửa chữa, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu phải thay mới toàn bộ 10 máy tàu hiệu Mitsubishi không đồng bộ. Riêng máy tàu hiệu Doosan của ngư dân Trần Đình Sơn nếu hư hỏng nặng thì Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu phải thay mới đồng bộ.
Sau khi làm việc với đại diện Công ty Nam Triệu trong ngày 11/7, ông Trần Đình Sơn cho biết, máy lắp đặt trên tàu đúng là máy Doosan chính hiệu, nhưng bị hỏng 4 pit-tông và buồn nổ nên không hoạt động được. Công ty đã nhiều lần hẹn sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện và tiếp tục đưa ra hứa hẹn.
Sau buổi làm việc này, công ty cho biết sẽ chờ phản hồi từ phía hãng Doosan (Hàn Quốc) vào ngày 12/7 mới biết là sửa chữa hay thay mới toàn bộ, ông Sơn nói.
Ngoài ra, với từng hạng mục trên từng con tàu bị hư hỏng, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu cũng đề ra các giải pháp sửa chữa hoặc thay mới. Về cơ bản, 15 ngư dân đều đồng thuận với những phương án do công ty đóng tàu này đưa ra.
Riêng với 5 tàu mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương phải sửa chữa, theo quan điểm ban đầu của UBND tỉnh Bình Định và ý kiến ban đầu của ngư dân, toàn bộ thép đóng tàu xuất xứ từ Trung Quốc phải được tháo ra, sau đó dùng thép Hàn Quốc để làm lại đúng theo thiết kế.
Tuy nhiên, nhiều bộ phận vỏ tàu được đóng bằng thép Trung Quốc chuẩn A, là loại thép đủ tiêu chuẩn đóng tàu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương đề nghị được giữ nguyên, chỉ thay thế những vị trí sử dụng thép không đạt cấp A, thiếu Mangan (Mn) bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, ông Phan Trọng Hổ cho hay, về vấn đề này UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu Bộ đồng ý hoặc không đồng ý mà phải làm mới hoàn toàn thì thực hiện theo ý kiến của Bộ.
Vấn đề khó ở chỗ, nếu tháo toàn bộ thép Trung Quốc ra thì xem như phải đóng lại toàn bộ vỏ tàu. Quá trình này cần khoảng thời gian 8 tháng, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về việc không được ra khơi quá lâu của ngư dân; lãi suất ngân hàng tăng cao, nợ quá hạn kéo dài...
Cả 5 chủ tàu có tàu đóng bằng thép Trung Quốc cũng đã thống nhất với UBND tỉnh Bình Định là chờ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Phạm Kha - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất