Đại hội XIII của Đảng: Bước phát triển ngoạn mục của nền kinh tế sau 35 năm đổi mới
(lienminhbng.org) - 35 năm kể từ khi thực hiện đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ chỗ là một nước nghèo, lạc hậu, thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu.
Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều ngày càng phát triển, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả ấn tượng
Sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 10 năm 1990-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của đạt 7,5%. Giai đoạn 2006-2010, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. Ảnh: TTXVN
Sang đến giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019 ước đạt 6,8%/năm. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của khu vực và IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Đáng chú ý, năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì tăng trưởng dương (2,9%), bảo đảm an sinh xã hội. Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong 35 năm đổi mới, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, nhận thức của Đảng về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có những bước phát triển mới về cả nội dung và phương thức thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu tạo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh, phát triển, khơi thông các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trong giai đoạn 2010-2020 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 14,85% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 85,15%, vượt mục tiêu đề ra.
Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi theo hướng hiện đại. Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như khoa học-công nghệ, thiết kế công nghiệp, nghiên cứu thị trường, tài chính, ngân hàng, viễn thông... đã hình thành và từng bước phát triển. Việc phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có tiến bộ, tạo những tiền đề để chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện đại hội, sáng 28/1. Ảnh: TTXVN
Cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt hơn các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp đã giảm mạnh, tỷ trọng lao động ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng liên tục. Năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Đặc biệt, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt: Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Phát huy các lĩnh vực thế mạnh
Xuất khẩu hàng hóa là một thế mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên và đã có 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt trên 543 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262 tỷ USD, tăng 3,6%, xuất siêu 19 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng đều qua các năm, đạt 41,3 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục, trong đó có cả các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zeland... Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác càng tăng.
Bên cạnh thế mạnh xuất khẩu nông sản, với nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt trên 2.046 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đến nay đã có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 38 tỷ USD, bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phẩn. Năm 2020, do dịch COVID-19, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng chỉ đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang dần phục hồi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong những gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Việt Nam đã được vinh danh tại nhiều lễ giải quốc tế về du lịch, như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An”…
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đặc biệt, với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương (15 FTA đã ký và 2 FTA đang đàm phán), Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm gần 90% GDP thế giới, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Trong đó, gần đây nhất, điểm sáng của thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chính là: thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thúc đẩy ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác…
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, trọng tâm hàng đầu trong hội nhập kinh tế của Việt Nam là việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các hiệp định của ASEAN với các đối tác để phục hồi và phát tiển kinh tế. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai các cam kết, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại.
Vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã xây dựng một mô hình kinh tế tổng quát là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế; hướng tới mục tiêu phát triển, lấy con người làm trung tâm, vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất