Đào rừng rầm rập về xuôi

18/01/2009 17:10 GMT+7 | Thế giới

Một chợ đào chạy dài theo quốc lộ 6 khoảng 30 km với đủ loại từ cây đào to thân sù sì mốc thếch đến những cành đào nhỏ chi chít nụ trắng. Giữa chợ đào đó là những xe tải đang tất bật chuyển đào lên xe.

Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) mùa này rét lạnh cóng, sương mù giăng kín đặc vào những buổi sáng sớm tinh mơ và xuất hiện trở lại khi chiều tà buông xuống.

Cận kề Tết, trên tuyến quốc lộ 6 đoạn từ xã Lóng Luông đến địa phận thị trấn Mộc Châu, người dân bắt đầu chuyển đào từ các ngả đường ra bày bán cho du khách đi qua. Đây cũng là lúc những tay buôn đào chờ sẵn cùng với những chiếc xe tải lớn nhỏ cập bên vệ đường chờ “ăn hàng” để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Đào rừng ngày càng đắt giá đã trở thành dịp làm ăn khá nhộn nhịp của người dân nơi đây. Tuy nhiên việc khai thác đào rừng ngày càng nhiều vào mỗi dịp Tết phần nào làm cho nơi đây mất đi cái vẻ rực rỡ vốn có của núi rừng Tây Bắc mỗi độ xuân về.

Tất bật chợ đào trên quốc lộ 6

Mộc Châu những ngày cuối năm trở lên rực rỡ bởi những vạt rừng đào phai đang khoe sắc. Những thửa đào này chính là cái tạo lên vẻ đẹp nguyên sơ chỉ có ở nơi đây.

Đây cũng là lúc cao điểm người dân bắt đầu chặt đào mang đi bán, hình thành một chợ đào chạy dài theo quốc lộ 6 khoảng 30 km với đủ loại từ cây đào to thân sù sì mốc thếch đến những cành đào nhỏ chi chít nụ trắng. Giữa chợ đào đó là những xe tải đang tất bật chuyển đào lên xe.


Nhà anh Sàng có 6 người tham gia bán đào, anh nói: “Những ngày giáp Tết này cả nhà tập trung vào việc bán đào để tranh thủ kiếm cái Tết anh ạ!”. Thật ra, mấy năm trước đây thi thoảng mới có người đi qua đừng lại mua đào về chơi Tết, chứ chả ai nghĩ đến chuyện mang đào đi bán. Khi đường quốc lộ 6 từ Sơn La đi Hà Nội được mở mang, việc buôn bán đào mới bắt đầu phất.
Từ đầu tháng chạp đến giờ anh Sàng đã bán được vài chục gốc đào, thu cả chục triệu bạc...

Đào ở Mộc Châu dễ có đến vài chục ha nằm rải rác ở các xã Loóng Luông, Loóng Sập, Vân Hồ và thị trấn Mọc Châu... Nhiều người dân đã đổ xô đi chặt đào mang bán, thậm chí có cả trẻ em cũng vác những cành đào nhỏ mang ra lề đường dựng bán. Do giá phải chăng lại là đào đẹp nên nhiều xe khách qua đây cũng dừng lại mua vài cành.

Ông Pừ ở xã Vân Hồ cho biết, đào rừng có 2 loại: Đào mốc, giống đào của người Mông, ít nhưng cành mập, hoa có màu hồng nhạt. Do mọc ở những vách đá trên núi cao, thân cây và cành sần sùi, thô ráp. Loại đào này khó kiếm nhưng giá bán rất cao. Hai là loại đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều hoa có màu phớt hồng... Đào rừng dáng khoẻ, thế tự nhiên lên được nhiều người tìm mua.

“Săn” đào đẹp

Khi đào rừng có giá cũng là lúc xuất hiện đội ngũ chuyên đi “săn’ đào đẹp. Cứ vào đầu tháng chạp, họ toả đi khắp các ngả, đến từng bản vùng sâu, vùn xa để kiếm tìm đào và đặt mua. Khi tìm được khách mua họ mới đến cắt gốc bán. Thường mua tận gốc với giá rẻ lên các tay “săn” đào bán kiếm được những khoản tiền lớn.

Một tay săn đào có thâm niên ở Mộc Châu cho biết: Năm ngoái đi cả nửa tháng trời, anh mua được vài chục gốc đào mốc ở các bản. Mua tại vườn của người Mông với giá 200 đến 300 nghìn đồng/cây. Mất thêm chút tiền thuê người chở ra quốc lộ 6, mỗi cây thu lời hơn trăm nghìn. Một cây đào mốc, thế đẹp bán ở Mộc Châu có giá khoảng 500 nghìn đồng nhưng khi chuyển về đến Hà Nội, bán nhanh cũng được cả triệu đồng.

Cũng theo anh này nói thì ở Mộc Châu hiện có đến cả trăm người chuyên đi thu gom đào tết cho cánh thương lái dưới xuôi.

“Săn” đào rừng tự nhiên đang trở thành “nghề” hái ra tiền ở Mộc Châu. Những tay buôn đào tìm đào trước rồi tập kết tại một điểm, gần Tết cánh thương lái dưới xuôi đánh xe lên chở, chủ yếu vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Do đào rừng tán rộng, cây to lên mỗi xe chỉ chở được từ 5 đến 10 cây là cùng.

Những cây đào thế đẹp khi chở về đến Hà Nội có thể giá sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần. Có người mua được cây đào thế “mình hạc, xương mai” với giá 1 triệu đồng nhưng chuyển về đến Hà Nội đã bán được ngay với giá tới...5 triệu đồng, còn hơn cả một vụ làm nương.

Với người buôn đào, mỗi năm chỉ cần mua đựoc vài cây đào “độc” thì kiếm được cái Tết ngon lành. Do đó, các tay săn đào đẹp ngày càng cạnh tranh gay gắt bằng việc săn lùng ở hầu khắp các bản vùng cao.

Hướng tới vùng trồng đào tập trung

Với lượng đào khai thác bán ra như hiện nay, chẳng ai dám chắc vài ba cái Tết nữa, những cây đào mốc thân cổ thụ có còn lại ở rừng? Những vựa đào nổi tiếng ở Loóng Luông, Vân Hồ, Phiêng Luông nay cũng vơi dần, hoặc biến mất hẳn như ở Chiềng Ngần, thành phố Sơn La...

Mặc dù cây đào gắn bó lâu đời trong đời sống tinh thần của người dân vùng cao, nhất là vào những ngày Tết cổ truyền, nhưng đến nay vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào nghĩ tới việc phát triển cây đào hàng hoá hay bảo vệ nguồn đào hiện có. Việc người dân chặt đào mang đi bán vẫn mạnh ai lấy làm.

Đi qua đoạn đường trên, người ta có thể chọn cho mình một vài cây đào ưng ý trong số bạt ngàn những cây đào dựng sát bên đường. Tuy nhiên, khi những thửa đào phai, đào mốc này được lấy đi theo kiểu “sẵn có trên rừng” thì chả mấy cái Tết nữa đào rừng sẽ bị cạn kiệt. Nên chăng cần có sự đầu tư cho người dân nơi đây trồng đào tập trung theo hướng hàng hoá, vừa đảm bào nguồn thu nhập, vừa giữ được giống đào rừng đẹp tự nhiên này.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm