29/08/2018 14:42 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Tại Di tích quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xảy ra sự việc: Gia đình ông Cầm Văn Hặc đã ngang nhiên chuyển đổi mục đích sử dụng, xâm lấn, chiếm dụng đất thuộc khu vực bảo vệ II và giáp ranh của di tích để làm nhà ở, xây dựng tổ hợp công trình lán, lều để kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm trong việc để cho người dân làm nhà, làm lán trên diện tích đất di tích của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ đó quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể trong xử lý”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý, nguyên nhân xảy ra vụ việc, trước hết do công tác quản lý đất đai của UBND huyện Điện Biên, chính quyền xã Mường Phăng còn lỏng lẻo nên đã để xảy ra việc người dân làm nhà, lán trại trên diện tích khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Về hướng giải quyết vụ việc, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp chính quyền cương quyết yêu cầu gia đình ông Cầm Văn Hặc và các gia đình khác dừng ngay việc xây dựng các công trình để chờ UBND tỉnh triển khai phương án di chuyển tái định cư và bồi thường trong năm 2018. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Ban quản lý di tích, UBND huyện Điện Biên, chính quyền xã Mường Phăng đã xuống kiểm tra hiện trường, lập biên bản, yêu cầu phía gia đình ông Cầm Văn Hặc ngừng việc xây dựng, kinh doanh và phải di chuyển khi được hỗ trợ kinh phí đền bù.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trước đây gia đình ông Cầm Văn Hặc đã ở trên đất vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt, khi đó ông Hặc có một nhà sàn nhỏ để ở và trông coi nương. Năm 2002, thời điểm tiến hành cắm mốc, xác định ranh giới của vùng bảo vệ của di tích thì nhà sàn ông Hặc nằm trong khu vực II di tích. Tuy nhiên, do địa phương chưa có kinh phí để giải tỏa nên tạm thời cho gia đình ông Hặc ở đó, giữ hiện trạng nương, chỉ được làm nương chứ không được xây dựng, làm thêm công trình khác. Thời gian gần đây, do nhà cửa xuống cấp nên ông Hặc đã tự tiến hành tu sửa nhà đang ở, đồng thời làm một số công trình nhà, lán, lều với mục đích để ở, trông coi nương và kinh doanh, phục vụ khách tham quan, du lịch. Tuy nhiên, việc làm này của ông Hặc đã vi phạm nghiêm trọng đến vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt.
Làm việc với chính quyền huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), trước câu hỏi của phóng viên về việc có hay không việc ông Cầm Văn Hặc có sự tiếp tay của người khác khi ngang nhiên xâm lấn, xây dựng công trình trái phép trên đất di tích, tự ý chuyển đổi đất canh tác tiếp giáp khu vực bảo vệ II của di tích sang đất thổ cư khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền như dư luận hoài nghi, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khẳng định: “Tôi khẳng định không có sự tiếp tay của cấp chính quyền huyện, xã cho ông Hặc xây dựng công trình vào đất di tích. Sự việc xảy ra là do trình độ hiểu biết ở cấp cơ sở, cán bộ chuyên môn, lãnh đạo xã và trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, thực tế ranh giới khu vực bảo vệ di tích còn chưa rõ ràng”.
Cũng theo ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, đất gia đình ông Cầm Văn Hặc được giao là đất nương, sử dụng vào mục đích canh tác nông nghiệp, không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng làm nhà ở, kinh doanh. Nếu có trường hợp tiếp tay để ông Hặc và các hộ dân làm nhà trái phép, ảnh hưởng đến di tích, huyện sẽ cương quyết xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.
Như TTXVN đã đưa tin, từ nhiều tháng nay, ông Cầm Văn Hặc (bản Phăng 1, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã xây dựng nhà ở, lán nghỉ, chòi, khu vực vệ sinh, lán thờ tự và các chòi nhỏ quanh ao cá trên diện tích đất được giao để canh tác, làm nương; trong số 11 công trình này có vài công trình còn dở dang. Để có mặt bằng xây dựng lán và khu vệ sinh, gia đình ông Hặc đã san bạt chân đồi làm biến dạng cảnh quan môi trường khu vực. Mục đích của ông Cầm Văn Hặc khi dựng lên tổ hợp những công trình này là để ở và kinh doanh, phục vụ nhu cầu ẩm thực, chỗ nghỉ ngơi cho du khách khi vào thăm quan khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc làm của ông Cầm Văn Hặc hoàn toàn làm “chui”, không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương.
Đối chiếu với “Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ”, lập năm 2001 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ); Quyết định số 591/QĐ-UB về việc phê duyệt phúc tra điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) ngày 3/5/2002 thì trong tổng số 11 công trình lán, lều, nhà ở ông Hặc cho xây dựng lên, có công trình nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt. Chính quyền xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) đánh giá, những lán, lều, nhà ở của ông Hặc không phù hợp với khu di tích, sẽ làm cảnh quan của di tích bị mất đi, gây phản cảm cho du khác.
Ngày 4/10/2016, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND, ngày 4/10/2016 của UBND tỉnh Điện Biên Ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên). Tại khoản 1, Điều 4 của Quyết định này nêu rõ “hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm, chiếm đoạt đất đai thuộc di tích, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại cảnh quan môi trường, không gian văn hóa của di tích” là hành vị bị nghiêm cấm. Tại điểm a, khoản 4, Điều 11 cũng nêu “khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích (khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích) mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp Quốc gia và di tích cấp Quốc gia đặc biệt”. Bên cạnh đó, Điều 32, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009-QH12, ngày 18/6/2009 quy định “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I”, “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Theo đó, việc xây dựng nhà ở, lán và các công trình khác của gia đình ông Cầm Văn Hặc khi chưa hề có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền là trái quy định của UBND tỉnh, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ 7/5/1954, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành cụm di tích lịch sử của cả nước.
Văn Dũng - Xuân Tiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất