22/06/2021 22:40 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 22/6, Việt Nam ghi nhận thêm 244 ca mắc mới, gồm 14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong nước ghi nhận 230 ca mắc, tại Thành phố Hồ Chí Minh (136), Bắc Giang (31), Bình Dương (33), Bắc Ninh (10), Nghệ An (2), Đà Nẵng (4), Tiền Giang (5), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (2), Hà Nội (1), Long An (1), Vĩnh Long (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), trong đó 217 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính đến 18 giờ ngày 22/6, Việt Nam có tổng cộng 12.010 ca ghi nhận trong nước và 1.717 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 10.875 ca, trong đó có 2.772 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Việt Nam đã có 5.546 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Chiều 22/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 6 lần lọc máu, kết hợp nhiều phương pháp điều trị tối ưu nhất, bệnh nhân COVID-19 mới 36 tuổi, được đánh giá nguy kịch đã hồi phục hoàn toàn, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp và được ra viện chiều cùng ngày. Cùng với bệnh nhân V.T.L, trong ngày 22/6, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn có 8 bệnh nhân cũng được xuất viện.
Cả nước có 18 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Thái Bình, Vĩnh Phúc đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Tại buổi hội chẩn quốc gia vào trưa 22/6, các chuyên gia đã hội chẩn 8 bệnh nhân rất nặng, trong đó 4 ca nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hai ca ở Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang, một ca tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang; một ca tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghệ An.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, Tổ trưởng Tổ Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết: Do thời tiết nóng, bệnh nhân có dấu hiệu sốt theo nhiệt độ môi trường, công tác điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình đề nghị cần hạ nhiệt độ phòng bệnh tại Bắc Giang, nếu không các bác sỹ và bệnh nhân đều sốc nhiệt với thời tiết ngoài trời gần 40 độ. Các phòng bệnh phải đảm bảo mát để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh nhân, việc sử dụng điều hòa, bổ sung thêm quạt mát là cần thiết nhưng phải đảm bảo phải thay đổi luồng khí, có luồng khí ra vào, làm thông khi phòng trong thời gian nhất định trong ngày.
Theo thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, các đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành thử nghiệm 1.000 mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine phòng COVID-19 Nano Covax.
Theo kế hoạch, các mẫu máu được làm xét nghiệm trong vòng 1 tháng; dự kiến đến giữa tháng 9/2021 sẽ có báo cáo kết quả dữ liệu về an toàn và sinh miễn dịch vào D42 (ngày thứ 42 sau khi tiêm) cho 1.000 tình nguyện viên. Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người đợt đầu tiên của giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine “made in Vietnam”, Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại theo tỷ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 974/QĐ-TTg về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu “Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam”. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đã ký Hợp đồng mua của AstraZeneca (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của VNVC). Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam có thể giao hàng không đúng tiến độ trong năm 2021, nếu vaccine giao trong năm 2022 thì Bộ Y tế có quyền từ chối không mua số vaccine về trong năm 2022.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Đó là nam thanh niên tên là T.H.L, sinh năm 1995; địa chỉ: Bến Trung- Bắc Hồng- Đông Anh, Hà Nội; nghề nghiệp: Giáo viên. Theo Hội đồng chuyên môn, đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân sau 39 giờ tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả pháp y hiện chưa thấy có bằng chứng cho thấy tử vong do phản vệ hoặc tắc mạch; cần tiếp tục thực hiện các xét nghiệm vi thể và giải trình tự gene để có kết luận. Quy trình tiêm chủng, sàng lọc được thực hiện đúng quy định...
Thanh Giang - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất