Dịch COVID-19: Chung sống an toàn nhưng không được chủ quan

23/04/2020 15:30 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Biện pháp cách ly xã hội đã đem lại kết quả ban đầu tích cực, khi 7 ngày liên tiếp không phát sinh ca mắc COVID-19 mới, là thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Chính phủ quyết định dừng cách ly xã hội và nới lỏng ở một số địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, trên tinh thần chung sống an toàn nhưng tuyệt đối không được chủ quan.

Hà Nội: Nhiều người chủ quan, lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội

Hà Nội: Nhiều người chủ quan, lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội

Mặc dù vẫn đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, nhưng vài ngày qua, nhiều người dân Hà Nội đã có biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19 khi ra đường không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m...

Bình đẳng trong phòng, chống dịch

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc được ban hành trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. Hoạt động giải trí, kinh doanh, buôn bán được yêu cầu tạm dừng, công viên đóng cửa và chính quyền kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Quyết định chưa từng có của Chính phủ ngay lập tức được người dân cả nước đồng tình ủng hộ và cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong lúc toàn dân đang đồng lòng chống "giặc dịch", ở đâu đó, vẫn có những cá nhân cố tình không đeo khẩu trang khi ra đường, tụ tập đông người, lén lút kinh doanh, buôn bán trái quy định... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch.

Câu chuyện về một phụ nữ ở Quảng Ninh bị lực lượng chức năng của phường chặn lại vì bán rau dưới lòng đường, được dư luận rất quan tâm và đưa ra nhiều bình luận trái chiều trong những ngày qua là một ví dụ liên quan đến ý thức của người dân trong phòng, chống dịch. Nhiều người lên án thái độ ứng xử lệch chuẩn của vị cán bộ phường đối với công dân. Cũng không ít ý kiến cho rằng, người phụ nữ bán rau kia đã nhiều lần vi phạm quy định trong buôn bán, thờ ơ với công tác phòng, chống dịch. Việc lãnh đạo địa phương đến tận nhà xin lỗi vì phát ngôn không chuẩn mực của cấp dưới cho thấy sự cầu thị của chính quyền cơ sở, nhưng người phụ nữ đó vẫn chưa nhận ra cái sai của mình. Trong mùa dịch, nhiều người thường mưu sinh bằng cách bán hàng rong trên phố, rất nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại khi hàng hóa không được lưu thông, không ít người phải bán tài sản, vay mượn ngân hàng để bù lỗ nhưng họ vẫn chấp hành quy định phòng, chống dịch vì lợi ích chung của cộng đồng.

Theo tìm hiểu của người dân, gia cảnh của người phụ nữ này không nghèo đến mức thiếu ăn, để phải ra đường bán hàng trái quy định, trong khi cả nước đang căng mình chống dịch. Dù nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước eo hẹp, nhưng Chính phủ vẫn đưa ra nhiều phương án hỗ trợ cho người dân theo từng đối tượn với mục đích "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chính vì vậy, việc lấy lý do nghèo nên phải mưu sinh, cố tình bán hàng dưới lòng đường, vi phạm pháp luật, dù đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm là không thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ai cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh và bất chấp quy định như người phụ nữ bán rau đó, việc kiểm soát dịch bệnh liệu có đem lại hiệu quả?!

Chú thích ảnh
Xe buýt đã hoạt động trở lại. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Không chỉ thiếu ý thức, vi phạm quy định trong phòng dịch, gần đây nhất, một đối tượng đã tấn công lực lượng Công an khi bị nhắc nhở vì tụ tập hát hò. Cụ thể, đêm 21/4, khi lực lượng chức năng kiểm tra quán karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội, yêu cầu khách thực hiện các quy định trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19,  Đặng Văn Tỉnh (sinh năm 1982, trú tại phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã chống đối, húc đầu vào mặt một chiến sĩ Công an. Quá trình điều tra, Đặng Văn Tỉnh khai nhận do say rượu nên đã thực hiện hành vi phạm trên. Viện Kiểm sát nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) vừa ra quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn đối với bị can Đặng Văn Tỉnh về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự 2015.

Không chỉ hai trường hợp trên, thực tế đang xuất hiện nhiều cá nhân vi phạm quy định, dù họ biết các khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng vẫn không thực hiện; không hề có ý thức phòng dịch trong khi dịch bệnh phức tạp vẫn đang hiện hữu và các lực lượng chức năng vẫn đang chạy đua với thời gian để kiểm soát và khống chế dịch bệnh.

Cuộc chiến chống lại dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Mọi cá nhân đều phải bình đẳng trong công tác phòng, chống dịch, nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.Nhiều ý kiến cho rằng các hành vi vi phạm phải bị lên án mạnh mẽ.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Sau 22 ngày cách ly xã hội, về cơ bản, sự lây lan của dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Các ổ dịch trên cả nước đã được khống chế khi 7 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới. Tính đến sáng 23/4, cả nước đã có 223/268 ca khỏi bệnh, 45 ca còn lại đang có tiến triển tích cực.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước, trừ một vài khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh, nhưng khuyến cáo người dân nâng cao trách nhiệm với tinh thần chung sống với dịch và có kiểm soát.

Chú thích ảnh
Việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và hạn chế tập trung đông người nơi công cộng vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm (ảnh chụp sáng 23/4/2020). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tập trung đông người; yêu cầu không để đại dịch tàn phá đất nước, coi mạng sống, sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Chủ trương quan trọng số 1 vẫn là ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca nhiễm Thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm.

Vì vậy, cả hệ thống phải tiếp tục chống dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại. Cùng với nhiệm vụ đó, phải tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là yêu cầu bức thiết khi đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh nhưng đặt trong bối cảnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Theo Phó Thủ tướng, muốn chung sống an toàn, chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2.

Một trong những phương pháp cần thiết là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.

Phân tích về nguy cơ lây nhiễm vẫn đang tiềm ẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, người dân đã thực hiện hạn chế tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch COVID-19. Việc ở nhà nhiều hơn chính là biện pháp để ngăn chặn những người đang ủ bệnh mà không có triệu chứng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo chuyên gia này, trong cộng đồng vẫn tồn tại những bệnh nhân chưa được phát hiện do không có biểu hiện rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Thời gian tới, các hoạt động của người dân sẽ trở lại bình thường, nếu không quyết liệt thực hiện đúng nguyên tắc phòng bệnh, dịch rất dễ tái bùng phát.

Nhiều chuyên gia về dịch tễ nhận định, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị mới có thể coi là cơ bản hết dịch. Chúng ta không thể đóng kín cửa, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép” là phát triển kinh tế đồng thời với chống dịch. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, tiến tới sống chung an toàn nhưng không chủ quan, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội...

Đỗ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm