02/02/2021 15:52 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020. Theo đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý này đạt 8.202 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ, Vietnam Airlines phải chịu thêm khoản chi phí tài chính tăng 62% lên 79 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm từ hơn 228 tỷ đồng xuống còn 144 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm từ 216 tỷ đồng xuống còn 128 tỷ đồng.
Kết quả trên dẫn tới tổng lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines ghi nhận âm 377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 97 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 422 tỷ đồng, cùng kỳ là 24 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.
Theo đánh giá, mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa xuống còn 1.647 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng xuống còn 494 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 72% lên 11.187 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 18.507,55 tỷ đồng xuống còn gần 6.141 tỷ đồng.
Để hỗ trợ Vietnam Airlines, trước đó, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ "tái cấp vốn" với quy mô 12.000 tỷ đồng; trong đó, chia làm 2 phần là 8.000 tỷ đồng tăng vốn và 4.000 tỷ đồng vay vốn.
Với khoản 4.000 tỷ đồng, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với 8.000 tỷ đồng, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay, giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sản lượng hành khách của hãng cũng ước đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn, giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines cho biết sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng sẽ thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không... nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.
Quang Toàn - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất