18/11/2021 23:03 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Số ca mắc tăng, TP.HCM khuyến cáo người dân không được chủ quan
Nhiều vấn đề về công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như việc ngừng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage…, năng lực giường bệnh đảm bảo điều trị cùng lúc có số ca nhiễm lớn, kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian chống dịch… đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 18/11.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng đang ở mức cao
Về việc Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho phép hoạt động nhưng lại thay đổi quyết định, tạm ngừng các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, spa... trong 2 ngày, Phó ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho hay, tất cả chính sách do thành phố đưa ra đều nhằm phục vụ người dân, tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phực tạp khó lường những ngày vừa qua, thành phố chỉ có thể thực sự mở cửa các dịch vụ khi xác định an toàn; an toàn đến đâu, mở đến đó.
Do đó, đối với những loại hình kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao như karaoke, vũ trường…, thành phố quyết định tạm dừng cho đến khi Sở Y tế thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho các loại hình kinh doanh, dịch vụ này.
Lý giải rõ hơn, ông Phạm Đức Hải cho biết, số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố vẫn còn cao, có ngày hơn 1.400 ca. Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng đang thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng. Cụ thể, ngày 14/11 có 258 ca, đến ngày 17/11 tăng lên 302 ca. Ngoài ra, số ca nhập viện những ngày gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, như ngày 14/11 có 1.150 ca nhập viện, 713 ca xuất viện, đến ngày 16/11 có đến 1.421 ca nhập viện nhưng chỉ có 838 ca xuất viện. Tương tự, số ca tử vong chưa giảm, thậm chí có chiều hướng tăng; vào ngày 14/11 chỉ có 22 ca tử vong nhưng đến ngày 17/11 có đến 42 ca. "Những số liệu này, rất đáng lo ngại. Thành phố mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với quyết định rất khó khăn này. Chúng ta vì mục đích chung là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và bảo vệ kết quả phòng chống dịch thời gian qua", ông Phạm Đức Hải nêu rõ.
Thành phố có thể đáp ứng được 120.000 giường bệnh cùng lúc
Về ngưỡng đáp ứng trong việc điều trị người mắc COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tối đa mà thành phố có thể chấp nhận trong điều kiện hiện tại, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu chung của thành phố là phải duy trì được thành quả chống dịch trong thời gian qua, đồng thời kéo giảm ca nhập viện, tử vong. Với tinh thần đó, Sở Y tế đã cùng các sở, ngành họp bàn các giải pháp, xây dựng kịch bản cụ thể.
“Theo tính toán, hiện thành phố có hơn 9.000 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng đã tham gia chống dịch trong thời gian qua và có kinh nghiệm nên thuần thục xử lý mọi tình huống. Bên cạnh đó, với số giường bệnh, giường có trang bị bình oxy và hệ thống giường khu vực hồi sức (ICU), thành phố có thể đáp ứng được trên 120.000 ca nhiễm nhập viện tại cùng 1 thời điểm. Thành phố đã xây dựng 7 kịch bản cho từng bước và sẽ có thông tin cụ thể sau khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố thông qua”, bà Mai cho hay.
Về việc có một số trường hợp người dân phản ánh đăng ký gói thuốc C điều trị COVID-19 nhưng trạm y tế thông báo hết trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là loại thuốc kháng virus đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, không phải người mắc COVID-19 nào cũng có thể sử dụng. Để được sử dụng thuốc, bệnh nhân phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể như: có triệu chứng nhẹ, người từ 18 – 65 tuổi, không mắc bệnh nền, không bị bệnh lý về gan, thận; phụ nữ có thai, đang cho con bú và phụ nữ dự kiến có con trong 6 tháng không được sử dụng… Vừa qua, Sở Y tế thành phố đã có văn bản chấn chỉnh về việc cấp thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Thời gian tới, Sở sẽ báo cáo Bộ Y tế và xin cấp thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù cho trường hợp số người mắc COVID-19 gia tăng.
Liên quan đến thông tin phản ánh nhiều người nhiễm, nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà nhưng không tuân thủ cách ly và di chuyển ra khỏi nơi cư trú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, thời gian qua, HCDC có ghi nhận việc một số địa phương vì thiếu nhân sự nên linh động để người mắc COVID-19 đến một địa điểm nào đó để nhận các gói thuốc điều trị. Sự việc này xảy ra khoảng một tuần trước đây và đã được khắc phục. “Sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhắc nhở, báo cáo Sở Y tế thành phố. Đây là việc không được làm bởi đã vi phạm quy định cách ly của thành phố với người mắc COVID-19”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, nhiều người dân nghĩ rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương “sống chung với người mắc COVID-19”, nhưng trên thực tế, việc mà thành phố đang thực hiện là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này không đồng nghĩa với việc người mắc bệnh và người không mắc bệnh sinh hoạt cùng nhau. Quy trình hiện tại của thành phố là không chỉ người mắc COVID-19 mà những người sống cùng nhà cũng phải cách ly. Nếu người dân phát hiện người mắc COVID-19 di chuyển ra khỏi nơi cách ly thì phải lập tức báo cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Đẩy mạnh thực hiện bình ổn giá cả cho các mặt hàng thiết yếu
Liên quan đến việc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tươi sống tại các siêu thị nhìn chung vẫn ổn định giá cả, tuy nhiên cũng có một số mặt hàng tăng giá như xăng dầu, gas… Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, giá cả các mặt hàng này đang có sự biến động trên toàn thế giới nên việc tăng giá trong nước là hệ quả tất yếu. Bên cạnh đó, việc chi phí phòng, chống dịch và chi phí vận chuyển tại một số doanh nghiệp đang tăng cũng là yếu tố khiến một số mặt hàng tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bắt đầu phục hồi sản xuất, do đó hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ cho thị trường. Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch thực hiện những chương trình kích cầu, khuyến mãi, kết nối hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bình ổn giá trong thời gian tới. Đặc biệt, Sở sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thành phố.
Về việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán đồ uống có cồn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm cho phép bán đồ uống có cồn tại chỗ tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức, ngày 16/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 818 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2 được bán đồ uống có cồn. Những địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ. UBND các quận, huyện quản lý. UBND thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động thí điểm đến hết ngày 30/11, thời gian hoạt động kết thúc trước 22 giờ hàng ngày.
Cũng tại cuộc họp, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Sở đã có tờ trình UBND thành phố về dự thảo tổ chức học lại trực tiếp cho học sinh trên địa bàn. Sáng 19/11, Sở sẽ có báo cáo chi tiết cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch tổ chức dạy - học. Tuy nhiên, ngành, đối tượng nào được đi học trực tiếp phải được lãnh đạo thành phố xem xét và có quyết định cụ thể. Do đó, hiện nay chưa xác định được ngày và đối tượng học sinh cụ thể nào sẽ được đi học trực tiếp trở lại.
Hà Nội phát hiện ổ dịch mới ở thôn Mới, Tốt Động huyện Chương Mỹ
Sở Y tế Hà Nội tối 18/11 thông báo 277 ca COVID-19 mới phát hiện trong 24 giờ qua, trong đó có 114 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca cộng đồng nhiều nhất từ trước tới nay ở Thủ đô.
Ngoài ra, có 137 ca khu cách ly và 26 phong toả. Đây là ngày ghi nhận số ca cộng đồng nhiều nhất từ trước tới nay ở Thủ đô, gần đây nhất ngày 9/11 Hà Nội có 105 ca cộng đồng.
Trong số này có 160 ca đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; 32 ca mới tiêm 1 mũi; 65 ca là trẻ em dưới 18 tuổi, chưa tiêm vaccine do chưa đủ tuổi; số còn lại chưa tiêm chủng.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, chùm ổ dịch La Thành, Giảng Võ - Ba Đình đến nay có 125 ca (hôm nay thêm 9 ca); Chùm ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm có 252 ca (hôm nay thêm 18 ca); Chùm ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang - Quốc Oai mới xuất hiện từ 14/11 đến nay có 78 ca (hôm nay thêm 19 ca mới); Chùm liên quan ổ dịch đường Trần Duy Hưng - Cầu Giấy từ 2/11 đến nay có 153 ca (hôm nay thêm 4 ca; Chùm liên quan ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm từ 31/10 đến nay có 283 ca (hôm nay thêm 14 ca); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng - Mê Linh từ 27/10 đến nay có 263 ca (hôm nay có 6 ca); Chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị - Ba Đình từ 3/11 đến nay có 45 ca; Chùm ổ dịch Kho hàng Shopee KCN Đài Tư - Long Biên từ 5/11 đến nay có 126 ca (hôm nay có 11 ca)...
Hôm nay Hà Nội phát hiện ổ dịch mới ở thôn Mới, Tốt Động huyện Chương Mỹ với 14 ca cộng đồng. Ngoài ra, chùm liên quan ổ dịch Đức Thọ, Mỹ Đình hôm nay thêm 6 ca; chùm liên quan ổ dịch Sài Sơn, Quốc Oai thêm 1; Chùm liên quan ổ dịch Phú La, Hà Đông thêm 1 ca.
Bên cạnh đó, ngày 18/11 Hà Nội có thêm 112 ca thuộc chùm Ho sốt thứ phát; 41 ca thuộc chùm sàng lọc ho sốt, 11 ca liên quan các tỉnh có dịch (nâng tổng số ca liên quan các tỉnh có dịch lên 180) và Chùm liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) có thêm 10 ca, nâng tổng số ca lên 151.
114 ca cộng đồng phát hiện hôm nay phân bố tại 22 quận, huyện: Hai Bà Trưng (21); Chương Mỹ (15); Hà Đông (11); Hoài Đức (10); Ba Đình (8); Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai (7); Nam Từ Liêm (6); Long Biên, Sơn Tây, Đống Đa (3); Quốc Oai, Thanh Trì, Thanh Xuân (2), Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Gia Lâm, Phú Xuyên (1).
Số ca nhiễm liên tục tăng, Bà Rịa-Vũng Tàu nâng cấp độ phòng, chống dịch
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ 18 giờ ngày 17/11 đến 18 giờ ngày 18/11, toàn tỉnh ghi nhận 423 ca mắc mới, trong đó có, 321 ca trong cộng đồng.
Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương có số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất toàn tỉnh, với 193 ca, trong đó 146 ca cộng đồng. Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 99 ca, trong đó có 86 ca cộng đồng.
Cụ thể, ngày 16/11, toàn tỉnh ghi nhận 300 ca mắc; ngày 17/11, toàn tỉnh ghi nhận 428 ca mắc; ngày 18/11 là 423 ca mắc mới. Từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh ghi nhận tống số 7.816 ca mắc
Hiện, Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 33 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 1, vùng xanh (giảm 14 vùng so với ngày 17/11); 35 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 2, vùng vàng (tăng 9 vùng) và 15 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 3 vùng cam (tăng 5 vùng). Trước diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, số ca mắc tăng cao, ngày 18/11, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nâng cấp độ dịch của tỉnh từ cấp 1 vùng xanh lên cấp 2 vùng vàng.
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 18 cơ sở điều trị COVID hoạt động gồm 3.006 giường bệnh, đang điều trị 2.134 ca F0, 92 ca F1 đi cùng thân nhân, chiếm 74% giường bệnh. Tỉnh cũng có 73 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.199 giường, cách ly 4.503 trường hợp F1.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh nhận định, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng không ngừng tăng. Các ca nhiễm lây lan nhanh trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khu công nghiệp, ngoài cộng đồng. Nguyên nhân phần lớn là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một bộ phận người dân, người lao động còn chủ quan, chưa chấp hành tốt các nguyên tắc, biện pháp phòng dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác, nêu cao vai trò trong phòng, chống dịch; chấp nhận đương đầu với dịch bệnh. Các địa phương cần có hành động kịp thời, tránh chủ quan trông chờ vào việc tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân; sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ; luôn duy trì việc ứng trực 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tiếp tục công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp để sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch…
Người lao động đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm phòng, chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế nhưng cũng cần linh hoạt, không cứng nhắc, bám sát thực tế dịch bệnh, an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, tránh tình trạng vừa mở cửa đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lực lượng công an, cấp ủy các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp cần bám sát tình hình dịch trong các nhà máy, doanh nghiệp; tuyên truyền kịp thời thống nhất các phương án phòng, chống dịch để người lao động đồng thuận, chấp hành tốt.
Hoàng Nhị/TTXVN
Cả nước ghi nhận 10.209 ca mắc, hơn một nửa số ca trong cộng đồng
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 17/11 đến 16 giờ ngày 18/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.223 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.209 ca ghi nhận trong nước (tăng 370 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 5.454 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.609 ca), Bình Dương (686 ca), Tây Ninh (632 ca), Tiền Giang (622 ca), Đồng Nai (563 ca), Đồng Tháp (515 ca), An Giang (510 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (423 ca), Sóc Trăng (343 ca), Bình Thuận (333 ca), Bạc Liêu (314 ca), Vĩnh Long (314 ca), Kiên Giang (304 ca), Hà Giang (235 ca), Hà Nội (202 ca), Trà Vinh (194 ca), Bình Phước (189 ca), Bến Tre (184 ca), Cà Mau (158 ca), Khánh Hòa (135 ca), Cần Thơ (130 ca), Hậu Giang (122 ca), Đắk Lắk (118 ca), Lâm Đồng (95 ca), Thừa Thiên Huế (91 ca), Thái Bình (85 ca), Long An (82 ca), Bình Định (82 ca), Bắc Ninh (78 ca), Quảng Nam (73 ca), Gia Lai (68 ca), Nghệ An (61 ca), Điện Biên (59 ca), Vĩnh Phúc (56 ca), Quảng Ngãi (51 ca), Bắc Giang (49 ca), Nam Định (47 ca), Thanh Hóa (46 ca), Ninh Thuận (45 ca), Đắk Nông (41 ca), Hà Tĩnh, Quảng Ninh (mỗi địa phương 31 ca), Đà Nẵng (26 ca), Phú Yên, Tuyên Quang (mỗi địa phương 25 ca), Quảng Bình (20 ca), Cao Bằng (19 ca), Hải Dương (16 ca), Phú Thọ (15 ca), Hà Nam (12 ca), Hưng Yên (10 ca), Sơn La (8 ca), Lạng Sơn (6 ca), Quảng Trị, Lào Cai, Hải Phòng (mỗi địa phương 5 ca), Kon Tum, Hòa Bình (mỗi địa phương 2 ca), Thái Nguyên, Yên Bái (mỗi địa phương 1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (156 ca), Đồng Nai (101 ca), Kiên Giang (92 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (272 ca), Tây Ninh (256 ca), Hà Giang (101 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.126 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.065.469 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.812 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.060.394 ca, trong đó có 878.776 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (452.722 ca), Bình Dương (246.007 ca), Đồng Nai (80.489 ca), Long An (37.007 ca), Tiền Giang (23.099 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.723 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 881.593 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.489 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.061 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 880 ca; Thở máy không xâm lấn: 124 ca; Thở máy xâm lấn: 410 ca; ECMO: 14 ca.
Ngày 18/11, cả nước ghi nhận 139 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (42 ca), An Giang (22 ca), Kiên Giang (16 ca), Bình Dương (14 ca), Đồng Nai (7 ca), Long An (6 ca), Bạc Liêu, Tiền Giang (mỗi địa phương 5 ca), Nghệ An, Trà Vinh, Tây Ninh, Vĩnh Long (mỗi địa phương 3 ca), Bình Thuận, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng (mỗi địa phương 2 ca), Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 90 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 96.774 xét nghiệm cho 201.106 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 24.563.347 mẫu cho 65.195.918 lượt người.
Trong ngày 17/11 có 1.464.452 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 103.573.065 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 65.772.961 liều, tiêm mũi 2 là 37.800.104 liều.
Bến Tre thêm 138 F0 trong cộng đồng
Từ 18 giờ ngày 17/11/2021 đến 11 giờ ngày 18/11/2021, tỉnh có 172 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 3.968 ca. Trong đó, có 2.497 ca ra viện, 56 ca tử vong toàn tỉnh.
Trong số ca mắc, có 149 ca ghi nhận trong tỉnh gồm: 138 ca tại cộng đồng, 13 ca trong khu cách ly; 23 ca ngoài tỉnh tại cộng đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 97,40% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 50,38% dân số tiêm đủ 2 mũi.
Lập mới 4 chốt phong tỏa (Giồng Trôm 3, Mỏ Cày Bắc 1); giải tán 8 chốt phong tỏa (Giồng Trôm 4, TP. Bến Tre 3, Bình Đại 1). Có 180 tổ tuyên truyền, tuần tra phòng chống dịch đang hoạt động. Lực lượng tuần tra, kiểm tra 181 cuộc, nhắc nhở 56 lượt người dân, 36 cơ sở kinh doanh.
Hà Nội phong tỏa chung cư HH2A Linh Đàm với hơn 2.000 người
Do ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 sinh sống tại tòa chung cư HH2A Linh Đàm nên lực lượng chức năng phường Hoàng Liệt (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã tạm thời phong tỏa để phòng, chống dịch.
Theo lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội), tối 17/11, UBND phường nhận được thông tin về 1 ca mắc COVID-19 trú tại tầng 5 - chung cư HH2A Linh Đàm. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã thực hiện các công tác khử khuẩn, truy vết, điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người liên quan.
Lực lượng chức năng đã xác định có 10 F1 (5 người trong gia đình và 5 người ở địa phương khác).
Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, UBND phường Hoàng Liệt đã tạm thời yêu cầu toàn bộ nhân khẩu thuộc các hộ gia đình tại chung cư HH2A không rời khỏi căn hộ kể từ 0h ngày 18/11 cho đến khi có thông báo mới.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm hồi tháng 5/2021.
Ngoài ra, UBND phường giao lực lượng Công an, Quân sự, bảo vệ dân phố... tổ chức tuyên truyền, giám sát toàn bộ nhân khẩu thuộc các hộ gia đình trên không rời khỏi nơi cư trú để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Trạm Y tế phường phối hợp với Công an phường khẩn trương truy vết, xác định các trường hợp F1, F2 liên quan để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định. Đối với những người đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh trong thời gian gần đây, cần thực hiện khai báo với Trạm Y tế phường.
Tòa HH2A có hơn 700 căn hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu. Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm bao gồm 12 tòa, tổng số căn hộ tại đây khoảng 9.000.
Hơn 200 trường hợp về Quảng Bình từ vùng có dịch dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 18/11, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Bình, địa phương này ghi nhận thêm 15 ca mắc mới, trong đó đa số là người trở về từ vùng dịch và F1 của ca mắc trở về từ vùng dịch.
Theo đó, từ 6h ngày 17/11 đến 6h ngày 18/11, tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 9 trường hợp trở về từ vùng dịch, 2 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly tập trung, 1 ca tại khu vực phong tỏa và 3 người là F1 của các ca mắc trở về từ vùng dịch chuyển thành F0. Những trường hợp dương tính mới trên được phát hiện tại thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa), xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) và thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh).
Tính từ ngày 7/10 đến 18/11, tổng số người từ vùng dịch trở về Quảng Bình được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là 247 trường hợp. Trong đó, huyện Tuyên Hóa là địa bàn có dịch bệnh diễn biến dịch phức tạp, với chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại thị trấn Đồng Lê với 16 trường hợp dương tính.
Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Tuyên Hóa đã thành lập khu điều trị các trường hợp F0 cấp 1, 2 (triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng) ở Trường mầm non Sơn Hóa (xã Sơn Hóa). Khu điều trị sẽ được kích hoạt tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện đa khoa Tuyên Hóa quá tải.
Bắc Giang phát sinh thêm 67 trường hợp F0 liên quan đến khu công nghiệp
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, TP trên địa bàn rà soát không để sót, lọt công nhân làm cùng tầng với các ca bệnh ở khu công nghiệp trở về nhà để quản lý nghiêm ngặt.
Theo thông tin của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn vừa phát sinh thêm 79 trường hợp F0. Cụ thể:
Chùm ca bệnh liên quan đến khu công nghiệp (khởi phát ngày 10/11/2021): 65 trường hợp F0, đều đã được cách ly tập trung trước đó.
Chùm ca bệnh liên quan đến khu công nghiệp (khởi phát ngày 28/10/2021): 2 trường hợp F0, đã được cách ly tập trung trước đó.
Chùm ca bệnh liên quan tại huyện Lạng Giang: 1 trường hợp F0, đã được cách ly tập trung trước đó.
Chùm ca bệnh liên quan tại huyện Tân Yên: 1 trường hợp F0, đã được cách ly tập trung trước đó.
Chùm ca bệnh liên quan tại huyện Yên Thế: 8 trường hợp F0, đều đã được cách ly tập trung trước đó.
Người đi từ vùng có dịch về: 2 trường hợp F0 là công nhân Công ty LiWayWay - KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã khai báo y tế, phát hiện tại huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng.
Như vậy, tính từ ngày 26/10/2021 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang ghi nhận 785 ca mắc COVID-19. Hiện toàn tỉnh còn 551 F0 đang điều trị (89 F0 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 462 F0 tại Bệnh viện Dã chiến số 2), các bệnh nhân còn lại đang được sắp xếp đưa đến các cơ sở y tế điều trị.
Gần 875.000 ca COVID-19 đã chữa khỏi; thêm 1 triệu liều vaccine Moderna về Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca mắc COVID-19, gần 875.000 ca đã được chữa khỏi; Thêm 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna Mỹ tặng Việt Nam; Chủ tịch UBND các địa phương ở Bình Phước chịu trách nhiệm việc tiêm chủng chậm trễ; F0 trong cộng đồng tại các tỉnh miền Tây vẫn tăng...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca mắc COVID-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (451.113), Bình Dương (245.321), Đồng Nai (79.926), Long An (36.925), Tiền Giang (21.951).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 874.870
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2.960; Thở oxy dòng cao HFNC: 847; Thở máy không xâm lấn: 126; Thở máy xâm lấn: 394; ECMO: 11
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 82 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.466.573 mẫu cho 64.994.812 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 102.030.576 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 65.222.953 liều, tiêm mũi 2 là 36.807.623 liều.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất