20/03/2020 17:38 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - “Cách ly như nhau, không phân biệt. Không có cơ sở cách ly cao cấp dành cho người Việt Nam trả phí dịch vụ”. Đây là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo sáng 20/3, tại Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện nghiêm túc hơn công tác cách ly
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp tại các nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ - nơi có nhiều du học sinh Việt Nam đang theo học. Trên tinh thần đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần tập trung chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các điều kiện cách ly khi dịch bùng phát với quy mô lớn hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng được giao đảm trách công tác cách ly phòng bệnh trên cơ sở phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương trong cả nước. Quân đội thành lập 140 điểm cách ly trên cả nước, tương đương với năng lực tiếp nhận hơn 40.000 trường hợp cách ly. Hiện các quân khu đang thực hiện cách ly khoảng 10.000 người.
Nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội trong công tác cách ly, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị quân đội tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly mà Bộ Y tế đã ban hành, trong đó cần lưu ý đến việc giữ khoảng cách giữa những người được cách ly tại các đơn vị.
Liên quan đến các cơ sở cách ly theo hình thức tự trả phí, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, các cơ sở này dành cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và một số chuyên gia làm việc tại một số dự án trọng điểm, đối tác thương mại quan trọng. Ngành du lịch chủ động phối hợp, trao đổi với các đơn vị y tế địa phương về quy trình hướng dẫn đảm bảo sức khỏe khi cách ly tại các cơ sở lưu trú.
Tiếp tục khuyến khích khai báo y tế tự nguyện toàn dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế triển khai mạnh mẽ các giải pháp nắm bắt tình hình sức khoẻ từng người dân; khuyến khích người dân tham gia khai báo sức khỏe tự nguyện toàn dân nhằm giúp ngành y tế phân nhóm các đối tượng dễ bị lây nhiễm hoặc khi bị lây nhiễm dễ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền, đặc biệt quan tâm đến người yếu thế như người khuyết tật…; khuyến cáo các trường hợp này hạn chế di chuyển, ở tại gia đình để lực lượng y tế đến thăm và kiểm tra sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, ngành y tế cần tăng cường mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết, phục vụ công tác xét nghiệm; tập huấn nhân lực xét nghiệm; nhập khẩu các công nghệ xét nghiệm nhanh; tăng cường các dây chuyền sản xuất vật tư y tế để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế trung thực, nếu không khai báo y tế chính xác thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia nhất trí giao Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện việc thông báo ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể. Số thứ tự các bệnh nhân sẽ được thực hiện điện tử và theo thứ tự quốc gia.
Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế về việc giao các cơ sở y tế đang tiến hành lưu trú ca cách ly F1, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lần cuối đối với các trường hợp cách ly vào ngày thứ 12 hoặc 13 của kỳ cách ly.
Tổng hợp tình hình dịch bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 20/3/2020, Việt Nam ghi nhận 85 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện; thực hiện 15.009 mẫu xét nghiệm. Tổng số có 38.081 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, trong đó 7.316 người cách ly tại bệnh viện, 2.241 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 28.524 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hiện 69 bệnh nhân (45 người Việt Nam và 24 người nước ngoài) đang được điều trị tại 12 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 69 bệnh nhân có 2 bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng: bệnh nhân số 20 (người Việt Nam, đang được thở máy, có bệnh nền rối loạn tiền đình) và bệnh nhân số 26 (người Anh, đang được thở máy, có bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp II); 7 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.
Tính đến 11 giờ 45 phút ngày 20/3, thế giới ghi nhận 245.626 trường hợp mắc COVID-19 tại 177 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10.048 người tử vong. Trung Quốc đại lục có 80.930 ca mắc, 3.247 ca tử vong tại 31/31 tỉnh, thành phố. 176 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 164.696 ca mắc, 6.801 người tử vong. Một số nước có người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao như Italy có 41.035 ca mắc, 3.405 người tử vong; Iran có 18.407 ca mắc, 1.284 ca tử vong; Tây Ban Nha có 18.077 ca mắc, 831 người tử vong; Đức có 15.320 ca mắc, 44 ca tử vong; Hàn Quốc có 8.652 ca mắc, 94 ca tử vong; Pháp ghi nhận 10.995 ca mắc, 372 người tử vong; Mỹ ghi nhận 14.338 ca mắc, 217 người tử vong; Thuỵ Sỹ có 4.222 ca mắc, 43 ca tử vong; Anh có 3.269 ca mắc, 144 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại các nước Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Áo, Bỉ… diễn biến phức tạp.
Diệp Trương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất