26/01/2018 11:54 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của VN được đầu tư theo hình thức BOT - và cũng là dấu mốc quan trọng để cất cánh 'giấc mơ' đặc khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT cách đây không lâu, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, dẫn ví dụ sân bay Vân Đồn như một bài học thành công về “tư nhân hóa”. Theo TS Thiên, sự khác biệt giữa vấn đề tư nhân và nhà nước cùng đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay thể hiện ở tiến độ. Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, trong khi những việc cấp bách như cải tạo Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Dù sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài, Tân Sơn Nhất về quy mô, nhưng theo ông Thiên, về đẳng cấp thì như nhau.
Cấp tập triển khai
Trước Vân Đồn, đã có một số dự án cảng hàng không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nhưng Vân Đồn sẽ là sân bay đầu tiên do nhà đầu tư tư nhân là Tập đoàn Sun Group trực tiếp đầu tư, khai thác và quản lý, khác biệt hoàn toàn so với 21 sân bay còn lại trực thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không VN.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.500 tỉ đồng, là cảng hàng không quốc tế cấp 4E đón được những loại máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như A350, B777.
Với tổng diện tích 288,38 ha gồm các hạng mục đường băng, nhà ga, bãi đỗ xe, sân bay Vân Đồn sẽ có 2 hạng mục chính là cấp sân bay và nhà ga hành khách. Trong đó, nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế nhà ga đáp ứng lưu lượng 5 triệu lượt hành khách/năm, giai đoạn 1 là 2,5 triệu lượt hành khách/năm.
Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, việc lựa chọn công suất thiết kế nhà ga như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai, không bị quá tải trong thời gian ngắn.
Hiện Tập đoàn Sun Group đang cấp tập triển khai các hạng mục của dự án Cảng hàng không Vân Đồn đảm bảo đưa sân bay đi vào vận hành quý 2/2018. Tính đến thời điểm này, khu bay gồm đường cất hạ cánh 3.000 m và 600 m nối dài đã hoàn thiện 100% khối lượng. Khu mặt đất bao gồm nhà ga, cầu cạn, tháp không lưu… cũng đang ráo riết thi công đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, mạng bay quốc tế chủ đạo sân bay Vân Đồn khai thác đến năm 2020 sẽ tập trung ở thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, đây cũng là các thị trường chiếm tới 60% khách quốc tế đến Quảng Ninh. Khách từ Trung Quốc có thể bay thẳng đến Quảng Ninh thay vì phải đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) hoặc sân bay Nội Bài (Hà Nội) rồi chuyển tiếp bằng đường bộ như hiện nay. Với việc được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn sân bay quốc tế ngay từ đầu, sân bay Vân Đồn cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường và mở rộng mạng đường bay quốc tế đến Nhật Bản, châu Âu… trong giai đoạn 2020 - 2030.
Theo một lãnh đạo ngành hàng không, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước hạn chế thì tư nhân hóa sân bay là giải pháp hiệu quả, đặc biệt việc đưa mô hình quản trị tư nhân có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không hiện nay. Trên thế giới, việc tư nhân hóa sân bay đã có nhiều mô hình thành công như tại Anh, Úc…
Sức hút cho đặc khu Vân Đồn
Theo ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, việc đẩy mạnh đầu tư các dự án Cảng biển Hải Hà, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, các công trình giao thông cầu biên giới, đặc biệt là các tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái sau khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới cao tốc hiệu quả kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn - Móng Cái. Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, mà còn mở rộng giao thương với thế giới nhất là khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Với tư duy đột phá từ BOT hạ tầng, các dự án BOT, BT giao thông tại Quảng Ninh không chỉ thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh, thu hút mạnh các nhà đầu tư, khách du lịch mà còn mang lại lợi ích đa chiều cho chính người dân địa phương. Điển hình như dự án cầu Bạch Đằng sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội chỉ còn 1 giờ 45 phút, thay vì mất 3 - 4 tiếng như trước. Hay với sân bay Vân Đồn, người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển cả trăm ki lô mét để tới các sân bay lân cận như Nội Bài, Cát Bi.
Từng phải nhận những cái lắc đầu thì nay với hạ tầng phát triển cùng tư duy đổi mới, Quảng Ninh đang là cái tên hot với nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế từ Sun Group, Tập đoàn Tuần Châu, Vin Group, BIM Group… với những chuỗi dự án quy mô lớn hàng trăm triệu USD trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch…
Ông Bùi Hồng Minh nhận định, những lợi ích từ các dự án BOT mang lại đã chứng minh sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hạ tầng cất cánh cũng đã tạo nền tảng thúc đẩy nhanh “giấc mơ” đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Hội tụ đủ mạng lưới giao thông hiện đại Theo ông Bùi Hồng Minh, với lợi thế sẵn có hiện nay, Vân Đồn sẽ hội tụ đủ mạng lưới giao thông hiện đại từ đường không, đường cao tốc, đường biển và trở thành trung tâm phát triển có thể kết nối thuận lợi với tất cả các địa phương trong cả nước cũng như các nước trên thế giới. |
Vietnam Airlines mở đường bay đến Vân Đồn UBND tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong đó có việc mở đường bay đến - đi từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ đặc biệt với các đường bay mới mở tới sân bay Vân Đồn trong giai đoạn đầu khai thác, đồng thời chủ trì giới thiệu điểm đến Quảng Ninh tới các thị trường trọng điểm châu Âu, châu Úc và khu vực Đông Bắc Á. Lã Nghĩa Hiếu |
Nguồn: Báo Thanh Niên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất