Ga metro cạnh Hồ Gươm: Ngắn nhất chưa hẳn là tốt nhất

16/03/2016 07:36 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nằm ngầm nên không ảnh hưởng tới Hồ Gươm trên lý thuyết, lại tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận với đền Ngọc Sơn và cảnh quan ven hồ. Tuy vậy, vị trí đặt ga metro (tàu điện ngầm) C9 vẫn nhận về sự quan ngại của giới chuyên môn.

Theo quy hoạch đã được thông qua, nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và là nhà ga nằm ngầm dưới mặt đất. Tuy không phải là ga đầu mối (giao với những tuyến đường sắt đô thị khác), vị trí của ga C9 vẫn đặc biệt quan trọng vì gắn với không gian quanh Hồ Gươm, trung tâm văn hóa lịch sử của thành phố.

Không cần “áp sát” Hồ Gươm

Và cũng chính bởi sự quan trọng ấy, trong năm 2013, vị trí dự kiến đặt ga G9 từng phải thay đổi một lần. Khi đó, trong báo cáo khả thi, ga C9 được đặt tại vườn hoa trước cửa đền Ngọc Sơn (gần đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử quân).

Tuy nhiên, sau ý kiến của các chuyên gia, nhà ga được lùi xuống phía Nam gần 100 mét,thuộc khu vực trước cửa tòa nhà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Từ vị trí này, vào giữa tháng 1 vừa qua, phía dự án đề nghị được mở 2 đường lên xuống (dẫn từ nhà ga lên mặt đất) vào khu vực đối diện tòa nhà Điện lực, thuộc phạm vi gần phía mặt hồ.


Theo tư vấn của JICA, phương án số 2 (nét đứt) là một lựa chọn đáng chú ý để metro không áp sát Hồ Gươm

Đáng nói, dù thay đổi như vậy, vị trí mới của ga C9 cũng vẫn tiếp tục nhận về ý kiến đóng góp giới chuyên môn trong một số cuộc hội thảo tiếp theo. Cụ thể, dù đồng tình với việc cần có tuyến metro phục vụ du khách quanh Hồ Gươm, nhiều chuyên gia lại ngần ngại với việc để nhà ga quá… sát hồ như vậy.

“Không gian quanh Hồ Gươm hợp với đi bộ, nhưng không có nghĩa chúng ta phải đặt ga metro vào đó để… hành khách không cần dùng xe máy” - KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. “Với sức tải của metro, hàng ngàn lượt du khách sẽ liên tục lên xuống tại đây trong ngày và chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực tới giao thông, cũng như vẻ trầm mặc vốn có quanh hồ”.

Theo KTS Hào, trường hợp ga metro “áp sát” khu vực tham quan hoặc di sản không phải là điều chưa từng có trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được như vậy, không gian của di sản lại cần đủ rộng với những khoảng lùi, hệ thống đường đi bộ và quảng trường để phân tán hành khách xuống tàu ra các hướng khác nhau.

Cũng cần nói thêm: việc quy hoạch tuyến đường sắt Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo được tiến hành trên cơ sở tư vấn của JICA (Quỹ phát triển quốc tế Nhật Bản).

Dù đưa ra phương án đặt ga cạnh khu vực Hồ Gươm, bản báo cáo tư vấn được JICA công bố có khuyến nghị rất rõ: “Để xây dựng ga (dự kiến sẽ xây dựng ga theo phương pháp đào – lấp/xây dựng từ trên xuống), cần di dời một số lượng lớn cây xanh và các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử lớn cũng như làm ảnh hưởng tới một số loài động, thực vật nhạy cảm. Việc lắp đặt vỏ ga cũng sẽ ảnh hưởng đến các công trình liền kề và cơ sở hạ tầng trên mặt đất do chiều rộng ga sẽ tăng để có đủ không gian quay đầu máy cho các đoàn tàu thích hợp. 


Toàn cảnh Hồ Gươm chụp từ trên máy bay trực thăng. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Nên “lùi” hoặc “nắn” ga C9

Với quy hoạch đã được duyệt, tuyến metro số 2 đi qua ga Hàng Đậu (vị trí giao với tuyến đường sắt số 1), tới ga C9 Hồ Gươm rồi gặp tuyến đường sắt số 3 ở nhà ga thuộc ngã tư Trần Hưng Đạo – Hàng Bài. Có nghĩa, nếu không mở ga C9 (chỉ đi ngầm mà không đưa hành khách “chui lên”) khoảng cách từ Hồ Gươm tới một trong hai nhà ga này sẽ là 1 km và không khả thi để đi bộ.

Bởi vậy, dù chưa ưng ý về vị trí đặt ga, giới chuyên môn trong những cuộc hội thảo trước đây cũng chỉ có thể đề nghị đổi ga theo hướng “tiến lên” hoặc “lùi xuống” vài trăm mét dọc đường Đinh Tiên Hoàng.

Thậm chí, trong trường hợp không thể thay đổi vị trí đặt ga vì lý do kỹ thuật, từng có ý kiến đề xuất khắc phục bằng cách làm đường lên/xuống theo hướng lùi ra khỏi khu vực quanh Hồ. Nghĩa là từ nhà ga, thay vì đi lên phía Hồ Gươm, du khách sẽ theo đường ngầm đi ra một không gian khác cách đó vài trăm mét như cung Thiếu nhi, vườn hoa Lý Thái Tổ hoặc quảng trường Ngân hàng.

Đặc biệt, để tránh không gian sát Hồ Gươm, tư vấn của JICA cũng đã từng đưa ra một phương án thứ 2: từ ga Hàng Đậu, thay vì rẽ vào Hàng Giấy, đường sắt sẽ đi thẳng ra Trần Nhật Duật rồi bám theo hướng Nguyễn Hữu Huân - Ngô Quyền - Lê Văn Hưu - Phố Huế.

Theo phương án này, thay cho nhà ga cạnh Hồ Gươm, 2 nhà ga khác sẽ được bố trí trên phố Nguyễn Hữu Huân và vườn hoa Con Cóc (Diên Hồng), đồng thời nhà ga Trần Hưng Đạo sẽ được lùi sang phải 150 mét để giao với phố Ngô Quyền.

“Tôi nghĩ rằng các lựa chọn ở phía Nguyễn Hữu Huân và vườn hoa Con Cóc là khá hợp lý. Khoảng cách hơn 200 mét là phù hợp để hành khách lên khỏi ga và đi bộ vào khu vực Hồ Gươm” - KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm