Gần 1,4 triệu người nhiễm bệnh, 76.458 người đã chết, 47.618 người đang nguy kịch

07/04/2020 22:33 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 22 giờ ngày 7/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã lên tới gần 1,4 triệu người và số ca tử vong được ghi nhận là 76.458 người. Trong đó, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là gần 294.000 người và vẫn còn tới 47.618 ca nguy kịch.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất với gần 370.000 ca và hơn 11.000 ca tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 140.510 ca nhiễm và 13.798 ca tử vong. Italy ở vị trí thứ 3 với 132.547 ca nhiễu và 16.523 ca tử vong.

Mặc dù số ca tử vong thấp (1.810 ca) nhưng số ca nhiễm tại Đức đang tăng nhanh và hiện lên tới 104.199 ca. Pháp cũng đã vượt Trung Quốc, trở thành nước đứng thứ 5 về số ca nhiễm,với 98.010 và số ca tử vong là 8.911 ca. Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch, hiện đa số ca mắc mới chỉ là người nhập cảnh và trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 32 ca nhiễm mới và không có ca tử vong.

Một trong những điểm tích cực trên toàn cầu là Hàn Quốc, từng là "ổ dịch" nghiêm trọng ngay sau Trung Quốc, ngày 7/4 thông báo số ca nhiễm mới ở mức dưới 50 người ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt 65%.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều nước tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang. Ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính phủ nước này đã đạt thỏa thuận với công ty 3M có trụ sở tại bang Minnesota để cung cấp hàng trăm triệu khẩu trang.

Chú thích ảnh
Người dân Mỹ đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, mỗi tháng 3M sẽ cung cấp thêm 55,5 triệu khẩu trang chất lượng cao. Như vậy trong những tháng tới Mỹ sẽ có 166,5 triệu khẩu trang cung cấp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, Theresa Tam ngày 6/4 cho rằng đối với những người nhiễm virus SARS-CoV-2 mà chưa có triệu chứng, việc đeo khẩu trang là cách tránh lây bệnh cho người khác. Phát biểu này đánh dấu một bước thay đổi trong đánh giá của giới chức y tế Canada về vai trò của khẩu trang trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay Aero Engine của Trung Quốc (AECC) ngày 7/4 thông báo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật liệu Hàng không của AECC đã phát triển thành công một loại khẩu trang mới có màng lọc chính được làm từ graphene.

Graphene là vật liệu làm từ carbon nguyên chất có độ dày chỉ tương đương một nguyên tử, nhưng lại cứng gấp 200 lần so với thép mặc dù mỏng hơn túi bọc thực phẩm tới 60.000 lần, có tính năng dẫn điện và dẫn nhiệt cực tốt. Đây là loại vật liệu dạng nano chiều phổ biến, có triển vọng đầy hứa hẹn sử dụng trong các ngành hàng không, năng lượng và dược phẩm sinh học.

Giới khoa học và y tế thế giới vẫn tiếp tục gấp rút trong cuộc đua tìm thuốc điều trị cũng như vaccine. Bộ phận báo chí của Cơ quan Y - Sinh Liên bang Nga (FMBA) thông báo nước này đã bắt đầu quy trình thử nghiệm lâm sàng so sánh các loại thuốc Mefloquine, Hydroxychloroquine và Kalidavir dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, FMBA đã đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2 dựa trên cơ sở thuốc Dalargin và bắt đầu nghiên cứu lâm sàng. Theo đó, FMBA đã xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2, kèm theo suy hô hấp, dựa trên cơ sở sử dụng delta-opioid, hexapeptide tổng hợp Dalargin. Thuốc Dalargin đã được đăng ký ở Nga như là loại thuốc chữa lành vết loét bảo vệ các cơ quan và mô - phổi, gan, tuyến tụy.

Cùng với nhiều quốc gia kéo dài tình trạng phong tỏa, ngày 7/4, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Shinzo Abe (bìa phải) ban bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc họp ngày 7.4

Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở nhiều thành phố lớn, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka, đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Đáng chú ý, giới chức y tế nước này đã không thể xác định được nguồn lây truyền của nhiều ca nhiễm bệnh.

Ngoài tình trạng thiếu vật tư và trang thiết bị y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá. Trong báo cáo công bố ngày 7/4, WHO cùng các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) cho biết hiện trên thế giới có khoảng 28 triệu y tá, sau khi bổ sung 4,7 triệu y tá trong 5 năm tính đến năm 2018. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang thiếu 5,9 triệu y tá, đặc biệt ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Liên quan đến tác động kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo. Ngày 7/4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Lời kêu gọi trên, do nhóm hành động Jubilee Debt dẫn đầu, đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp dự kiến của G20 về việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với COVID-19.

Các nhóm và tổ chức trên đã kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong hết năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn cho năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có “thắt lưng buộc bụng”, cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo hơn.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất 15 tỷ euro (16,4 tỷ USD) để giúp các nước nghèo trên thế giới chống đại dịch COVID-19 đang tác động tới mọi mặt của cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết số tiền trên sẽ giúp các nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn phần nào khắc phục những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra cũng như phục hồi kinh tế lâu dài.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) ngày 7/4 công bố báo cáo mới về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với giờ lao động và thu nhập trên toàn cầu, nêu bật một số lĩnh vực và khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đồng thời đưa ra các chính sách nhằm giảm thiểu khủng hoảng.

Theo ILO, cuộc khủng hoảng COVID-19 dự kiến sẽ làm giảm 6,7% số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm nay - tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Mức giảm lớn được dự kiến ở các nước Arab (8,1% tương đương với 5 triệu lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8% tương đương 12 triệu lao động toàn thời gian) và châu Á - Thái Bình Dương (7,2% tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian). Điều này vượt xa ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Các lĩnh vực có nguy cơ bị giảm giờ làm việc cao nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và thực phẩm, sản xuất, bán lẻ, hoạt động kinh doanh và hành chính.

            Phương Hoa - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm