09/04/2019 10:37 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" - Câu ca ấy bao đời nay vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Dù ở nơi đâu, cứ đến ngày giỗ Tổ, hàng chục triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài lại cùng nhau hướng về hoặc hành hương về đất Tổ, thắp nén hương thành kính, tri ân công đức tổ tiên.
Hội tụ tinh hoa văn hóa
Về Đền Hùng vào những ngày này, du khách thập phương có thể cảm nhận được không khí lễ hội đang tràn ngập khắp nơi. Các con đường từ thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng như nhỏ lại bởi lượng xe ngày càng nhiều. Dọc tuyến đường Hùng Vương lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng những lá cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn, áp phích rực rỡ sắc màu. Tối đến, những ánh đèn đủ các màu lấp lánh, tỏa sáng khắp cả thành phố, tạo nên bầu không khí náo nhiệt, chào mừng ngày hội lớn.
Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng tổ chức hàng năm được xem như ngày hội lớn của đất nước bởi triệu triệu trái tim con cháu Lạc Hồng khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào sinh sống tại nước ngoài cùng chung nhịp đập hướng về Nghĩa Lĩnh thành kính tri ân công đức tổ tiên.
Hòa theo vào dòng người đông đúc, bước chân chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, ông Nguyễn Văn Hậu ở Nghệ An chia sẻ: Để tránh đông người vào chính ngày giỗ (10/3 âm lịch) cứ đầu tháng Ba âm lịch, chúng tôi lại về Đền Hùng thắp nén hương thơm tri ân các Vua Hùng cầu mong cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng… “Tôi rất tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhìn Đền Hùng rộng, khang trang, bề thế, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô với một không gian rộng lớn, tôi rất phấn khởi và tự hào mình là dòng giống Tiên Rồng…” ông Hậu nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hoan, quê ở Hưng Yên bộc bạch: Về Đến Hùng lần này tôi thấy phong cảnh ở đây rất khác so với cách đây hơn 10 năm về trước. Cảnh quan rất đẹp, những con đường, bậc lên xuống từ cổng chính lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh được đầu tư bề thế, rất sạch sẽ và an toàn. Tại Ngã 5 đền Giếng có cảnh quan rộng, đẹp với những chiếc “ô lợp lá” hình tròn xen những chiếc ghế đã tạo ra một sân nghỉ ngơi cho du khách sau một chặng đường dài hành hương lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tri ân công đức Vua Hùng…
Không chỉ có vậy, về với Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, người dân còn được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền đất Tổ. Cả không gian lễ hội là không gian của sắc màu văn hóa… Chính những việc làm, những hoạt động ý nghĩa trong các dịp như thế này đã và đang góp phần tích cực vào công tác gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, làm cho những giá trị văn hóa đó có sức sống và lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết: Trong những năm qua Khu di tích cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động văn hoá ngày càng quy củ, chặt chẽ, nền nếp. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực, quy mô, bài bản, trang nghiêm, thành kính ở phần lễ và phong phú, hấp dẫn ở phần hội.
Dự kiến, lượng khách về Đền Hùng năm nay đông hơn so với mọi năm vì thế Khu di tích được Đảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ quan tâm tiếp tục đầu tư dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang cảnh quan ngã 5 Đền Giếng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục: san nền, cải tạo hệ thống đường giao thông, chòi nghỉ chân, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh cảnh quan. Các tuyến giao thông liền kề có tổng chiều dài gần 300m được cải tạo mở rộng gấp hai, gấp ba lần so với tuyến đường cũ… và được nối với các nút giao thông chính. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm ách tắc giao thông tại khu vực này dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Thường trực Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, ngoài ngã 5 Đền Giếng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng còn lát hơn 10.000m2 đá xanh bằng trải nhựa asphalt; sắp xếp lại vị trí và tăng diện tích bãi đỗ xe nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân; bố trí làm thêm một số nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn 5 sao; sắp xếp lại hệ thống cây xanh, bồn hoa, thay bằng một số cây trồng bản địa đặc trưng của Phú Thọ như cọ, chè…
Cụ thể, theo ông Khánh, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã làm xong bãi đỗ xe với sức chứa 2.000 xe ở cạnh cổng chính Đền Hùng. Ngoài ra, còn có thêm các bãi xe dự phòng tại Mui Rùa, Đài tưởng niệm, đường ra Khu công nghiệp... nhằm đảm bảo cho người dân để xe thuận lợi, tránh việc bị chèo kéo, ép giá khi gửi xe. Sáu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn 5 sao cũng được đưa vào sử dụng.
Xây dựng lễ hội mẫu mực cả nước
Chương trình Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 do tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia góp giỗ của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La và được tổ chức trong ba ngày (từ 13-15/4, tức ngày 8-10/3 năm Kỷ Hợi) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường lân cận. Đến thời điểm này, tất cả các công việc phục vụ Giỗ tổ Hùng Vương đã sẵn sàng đón đồng bào và du khách trong và ngoài nước về tham dự. Cũng như mọi năm, Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2019, khẳng định: Đến nay, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Đền Hùng đã sẵn sàng đón nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế về dâng hương, tri ân công đức Vua Hùng.
Cũng theo ông Dũng, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 phải tập trung tăng cường an ninh trật tự, bảo đảm “năm không”: không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo đó, Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng, các huyện, thành, thị tập trung cao độ tổ chức thành công Giỗ tổ với mục tiêu đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Năm nay, cũng như mọi năm lễ hội Đền Hùng sẽ có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương.
Phần hội sẽ có các hoạt động như: lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật; bắn pháo hoa; hội trại văn hóa các huyện, thành thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương - Thành phố Việt Trì; trưng bày sách, báo, tư liệu ảnh tại thư viện tỉnh; trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ” và một số tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sỹ Việt Nam - Hàn Quốc; tổ chức ngày hội sách đất Tổ...
Đặc biệt, phần hội năm nay có ba hoạt động mới là hát giao lưu tại khu vực ngã 5 Đền Giếng và Hồ Mai An Tiêm - Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; tổ chức các hoạt động tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương.
Theo Ban tổ chức lễ hội, năm nay Phú Thọ sẽ mời một số tỉnh bạn tham gia giao lưu văn hóa trong thời gian diễn ra lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương như: thành phố Cần Thơ với tiết mục đờn ca tài tử; tỉnh Sơn La với tiết mục múa xòe và tỉnh Nghệ An với tiết mục hát Ví Dặm.
Với sự chuẩn bị tích cực và chu đáo của Ban tổ chức, hy vọng Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 sẽ để lại hình ảnh tốt đẹp với du khách thập phương.
Tạ Văn Toàn/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất