GS Ngô Bảo Châu: 'Khủng hoảng là điều cần thiết để trưởng thành'

25/07/2014 11:44 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - “Khủng hoảng là thứ bắt buộc phải xảy đến, không thể nào đề phòng được. Đó là việc cần trải qua để trưởng thành” là lời chiêm nghiệm của nhà toán học say mê văn chương.

Ít có buổi trò chuyện nào Ngô Bảo Châu say sưa nói về ý nghĩa cuộc đời như một sự kiện cuối tuần qua ở không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội. Bởi đây là dịp để anh bàn chuyện văn chương, về viết văn và viết blog. Nhìn chung, hoàn toàn tách biệt với lĩnh vực quen thuộc của anh, toán học.

Nguồn cảm hứng đó đến bởi theo như anh nói, viết văn mang lại cho người ta “cảm giác được tiếp cận gần với sự thật, chân lý”, thứ mà hiếm khi xảy ra khi làm toán.

Không thể né tránh những khủng hoảng cuộc đời

Ai cũng có bất hạnh và khủng hoảng, đây như một mẫu số chung nên việc nói về những khó khăn của cuộc đời luôn mang lại niềm đồng cảm lớn, kể cả khi Ngô Bảo Châu chỉ nói khái quát, không đi vào cụ thể đời mình. Một độc giả đặt câu hỏi: “Trước những khủng hoảng cuộc đời, anh nói anh thường tìm về ký ức để có đủ sức mạnh đối mặt với những khủng hoảng đó. Vì sao vậy?”.


GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: TTXVN

GS đính chính: “Có lẽ bạn hiểu nhầm khi cho rằng tôi tìm về ký ức để đề phòng những khủng hoảng trong đời. Khủng hoảng là thứ bắt buộc phải  đến, không thể nào đề phòng được. Đó là một việc cần trải qua để trưởng thành. Bản thân việc tìm lại ký ức cũng là một phần của khủng hoảng”.

“Tôi cũng ao ước được sống một cách vô tư ở tuổi 20, không bao giờ bận tâm đến quá khứ, ít quan tâm đến người khác. Đó cũng là một cách sống nhưng đến một lúc nào đó, sự phát triển sinh học khiến người ta không thể nào tiếp tục sống như vậy. Những nhu cầu của tâm hồn cũng bắt buộc người ta phải sống khác”.

“Khi người ta lớn tuổi hơn, nỗi cô đơn cũng lớn dần lên. Dù ta yêu quý mọi người hơn và mọi người cũng yêu quý ta hơn nhưng không ai tránh khỏi nỗi cô đơn. Tôi sống với việc đó chứ không đề phòng”.

Nhiều người đi tìm hạnh phúc viên mãn. Nhưng với GS Châu thì: “Trong tất cả mọi việc, không nên nghĩ là làm sao để được viên mãn, mà chỉ nên nghĩ làm sao để sống hết mình. Tôi ghét nhất là câu nói “làm (gì đó) chỉ để cho xong”.

Nhà toán học làm gì ngoài toán?

Ngoài việc lập ra tủ sách Cánh cửa mở rộng hợp tác NXB Trẻ, GS Châu còn tham gia nhiều hoạt động ngoài lề toán học, như nói chuyện về giáo dục, các buổi giới thiệu sách, gần đây là biểu diễn nghệ thuật sắp đặt với nghệ sĩ Ly Hoàng Ly (hôm 21/7). Trên Facebook, thỉnh thoảng có người hỏi “móc” anh: “GS không làm toán nữa à?”.

Trong buổi trò chuyện gần đây, một độc giả hỏi Ngô Bảo Châu điều này. Anh trả lời: “Tôi thấy nhiều người suy nghĩ quá đơn giản về cuộc sống. Con người thay đổi hàng ngày. Thứ hôm nay người ta thích, có thể ngày mai lại không thích nữa”.

“Cách đây 15 năm, tôi không quan tâm đến thứ gì ngoài toán. Tôi có đọc sách nhưng không đọc một cách say sưa, mà chủ yếu để giao du vì tôi có nhiều bạn bè học văn. Rất ít cuốn sách thực sự gắn bó với tôi. Nhưng con người tôi đã thay đổi, bản thân việc làm toán với tôi cũng thay đổi”.

“Nhiều người đặt câu hỏi, nếu tôi tập trung vào làm toán thì sẽ đạt được nhiều thứ hơn. Câu hỏi đó cũng cần thiết nhưng không phải là vấn đề quan trọng trong cuộc sống của tôi. Nhưng cá nhân tôi không bao giờ bỏ toán vì toán với tôi vừa là cách gột rửa tâm hồn vừa là một môn thể thao trí tuệ”.

Lợi ích của những khủng hoảng cuộc đời

“Người ta có xu hướng tìm về ký ức của mình khi hiện tại đổ vỡ” – Ngô Bảo Châu nói. “Bởi, khi tìm lại, tôi phát hiện ra những đổ vỡ kia không hoàn toàn vì ngoại cảnh, mà vì những lý do đến từ nội tâm, từ ký ức đã bị bỏ quên.

Lúc đó tôi mới hiểu ra rằng, nhiều khi những bất hạnh lại giúp mình cảm thấy những mục ruỗng bên trong tâm hồn mình. Đó là lợi ích của khủng hoảng. Nó thôi thúc, bắt buộc người ta phải tìm lại những gì mình bỏ quên”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm