09/04/2018 16:18 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Xây dựng ga tàu điện ngầm là yêu cầu cần thiết và cần nhận được sự đồng thuận của người dân. Tàu điện ngầm sẽ góp phần tạo nên một không gian, diện mạo mới, một giá trị văn hóa mới hiện đại cho Thủ đô. Đồng thời, đó cũng sẽ là yếu tố làm nên nét văn hóa mới khi tham gia giao thông trong một đô thị phát triển.
Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trong 3 tuần trưng bày đã có hàng vạn lượt nhân dân và khách du lịch đến tham quan phương án vị trí và thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9. Trong gần 1.800 ý kiến phản hồi có tới 90% đồng thuận với phương án; 7% không đồng thuận và 3% không nêu ý kiến.
“Chúng tôi cho rằng việc trưng bày phương án đã đạt thành công nhất định. Bởi không chỉ thu hút sự quan tâm, góp ý của người dân, giới chuyên gia mà đó còn là một bài kiểm tra rất khó khăn về tính khả thi của Dự án mà chúng tôi đã vượt qua được”, ông Hiếu cho biết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi thấy khả quan
Trao đổi với phóng viên về mặt bằng quy hoạch ga ngầm C9, nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định, đây mới chỉ là bước khởi động ban đầu, đưa Dự án tiếp cận gần hơn, rộng rãi hơn với các tầng lớp xã hội, nhân dân Thủ đô. Việc dư luận nhân dân còn một số băn khoăn là chuyện thường tình.
“Chứng kiến những gì mà TP. Hà Nội triển khai để xây dựng phương án tối ưu cho ga ngầm C9 rồi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, tôi thấy rất khả quan. Người dân đã dần dần từng bước chia sẻ với chủ trương này”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
GS Phan Huy Lê: “Phương án này đã giải quyết hài hoà nhất"
Dưới góc độ nhà sử học, Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho biết, khi mới được đề xuất nghiên cứu, chính ông là một trong những người phản đối kịch liệt nhất phương án vị trí ga ngầm C9 và cũng ông là người yêu cầu phải đưa Dự án ra để lấy ý kiến của người dân.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đồng hành cùng Thành phố và chủ đầu tư, cùng tích cực bàn bạc, cân nhắc, điều chỉnh đến từng chi tiết nhỏ, phương án xây dựng ga ngầm C9 cuối cùng đã thực sự thuyết phục được Giáo sư Phan Huy Lê.
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Phương án này đã giải quyết hài hoà nhất có thể cả nhu cầu phát triển giao thông của Thành phố và mục đích bảo tồn quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm. Hơn nữa, về mặt nào đó, nhà ga C9 còn có ảnh hưởng khá tích cực đến việc phát huy giá trị của di sản”.
Thiết kế cửa lên xuống ga gầm cần hài hòa với khu vực Bờ Hồ
“Theo kinh nghiệm khảo cổ mà chúng ta đã có thì khu vực này không cần thiết phải tiến hành khai quật trước mà có thể tiến hành song song với việc thi công Dự án. Mặt khác, phương án đặt ga sâu dưới mặt đất từ 15-19m cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến quần thể di sản Hồ Hoàn Kiếm”, Giáo sư Phan Huy Lê nhận định.
Tại thiết kế ban đầu, ga C9 có 4 cửa lên xuống, phía Hồ Hoàn Kiếm (phía Tây) có 2 cửa. Nhưng tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, để tránh áp lực giao thông quá lớn lên quần thể di sản, một cửa đã được đưa sang phía Đông, ven Bờ Hồ chỉ còn một cửa.
Theo tính toán của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, tại cửa duy nhất ven Bờ Hồ sẽ có khoảng 5.000 lượt hành khách lên xuống mỗi ngày. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản.
Giáo sư Phan Huy Lê cũng lưu ý, chủ đầu tư cần thiết kế cửa lên xuống của ga ngầm C9 này sao cho hài hòa với khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau khi dự án hoàn thành cần quan tâm đến phương án tổ chức giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh.
Giáo sư Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, ông quan tâm hơn cả đến yếu tố bảo tồn di sản và các giá trị tinh thần. “Qua góc nhìn của mình, tôi thấy rằng lãnh đạo TP. Hà Nội đã rất nhiều lần họp, nâng lên đặt xuống, trao đổi, lắng nghe và điều chỉnh để tìm ra phương án tốt nhất cho quần thể di sản Hồ Hoàn Kiếm khi xây dựng ga ngầm C9”, ông Quốc nhấn mạnh.
Đồng thời, mong muốn Dự án sớm khởi công và đảm bảo tiến độ đề ra. Việc bảo đảm tiến độ không những giúp cho tuyến đường sắt đô thị sớm được đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông; mà quan trọng hơn nữa là bảo đảm độ an toàn và mỹ quan cho quần thể di sản bên trên.
Theo quy hoạch, ga C9 là ga chính của tuyến đường sắt đô thị số 2 (dài 11,5km, có 9km chạy ngầm), điểm đầu từ Khu đô thị Nam Thăng Long và kết thúc ở Phố Huế. Ga C9 sẽ được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 lần lượt tới: Hồ Gươm khoảng 10m, Tượng đài Cảm tử 81m, đền Bà Kiệu 83m, Tháp Bút 36m, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Thành Nam - Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất