Hà Nội lên tiếng về chuyện 'thủy sản nhiễm kim loại nặng'

22/03/2014 00:07 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trước thông tin dự luận báo chí phản ánh về việc thủy sản Hà Nội bị nhiễm kim loại năng, chiều 21/3, các cơ quan chức năng liên quan của Hà Nội đã đưa ra quan điểm về những vấn đề liên quan.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội những kết quả của các nhà khoa học Đại học Y Hà Nội như thông tin các báo đưa ra là hoàn toàn chưa có cơ sở và chưa thuyết phục. Thông tin cho rằng: “Trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm; Cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome...”.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các nhà khoa học không nói rõ các mẫu trên được lấy từ 16 hồ nào trên địa bàn Hà Nội. Đặt giả thiết, các mẫu trên được lấy ở các hồ trong nội thành như: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Bảy Mẫu, Thiền Quang, Yên Sở chẳng hạn, thì chức năng của các hồ này chỉ làm nhiệm vụ điều hòa môi trường, đẹp cảnh quan phục vụ du lịch, chứ không phải phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản, phục vụ dân sinh. Hơn nữa, diện tích của những hồ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội với gần 31.000 ha. Nếu đưa ra thông tin chung chung như vậy, người dân dễ hoang mang, hiểu nhầm cho rằng, thủy sản nói chung của Hà Nội đều bị nhiễm kim loại.

Ông Nguyễn Huy Đăng đại diện ngành nông nghiệp Hà Nội cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các nhà khoa học vì đã đưa ra kết quả cũng là để cơ quan quản lý quan tâm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm để đề phòng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đăng đề nghị với các cơ quan chức năng Trung ương cần có quy định, ai là người được quyền công bố kết quả nghiên cứu khoa học một cách rộng rãi. Nếu không nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau, thậm chí không có chuyên môn cũng được quyền công bố sẽ dễ gây thất thiệt cho nông dân.

Trong sự việc này, câu hỏi được đặt ra là kết quả xét nghiệm được làm trên thiết bị nào, tiêu chuẩn ra sao, phối hợp với đơn vị chức năng nào, lấy mẫu ở diện hẹp hay là diện rộng hoặc chỉ lấy mẫu ở những hồ bị ô nhiễm nặng trong trung tâm? Những kết quả này, không thể đại diện chung cho ngành thủy sản Hà Nội như nhiều người nhầm nghĩ.

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy Sản Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy Sản Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy Sản Hà Nội cho biết: Năm 2013 Chi cục đã tiến hành thu 300 mẫu nước tại nguồn nước và ao nuôi các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai và Mỹ Đức để phân tích các chỉ tiêu: Chì (Pb), thủy ngân (Hg), nitrit (N)2), COD và amoni kết quả cho thấy: Hầu hết các nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tại thời điểm lấy mẫu đều xuất hiện chì và thủy ngân, nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép so với quy định hiện hành. Chỉ có hàm lượng thủy ngân tại nguồn nước cấp cho vùng nuôi trồng thủy sản ở Ứng Hòa và Thanh Oai là vượt quá hai lần so với giới hạn cho phép. Không có mẫu nào có xuất hiện hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép.

Hàm lượng chất hữu cơ trong các ao nuôi tại thời điểm thu mẫu cao hơn giới hạn cho phép; hàm lượng khí nitrit cao hơn 4 - 5 lần; hàm lượng amoni cao hơn hai lần. Nguyên nhân do người nuôi không quản lý được thức ăn trong quá trình nuôi dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao, gây ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi. Tuy nhiên, các ao nuôi trồng thủy sản đều không bị ô nhiễm bới kim loại nặng (Pb, Hg) và thuốc trừ sâu.

Tại thời điểm, Chi cục đã tiến hành thu 1.7000 mẫu thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kiểm tra các chỉ tiêu như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; dư lượng kim loại nặng và dư lượng hóa chất, chất kháng sinh. Qua phân tích các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo số liệu, nhu cầu tiêu thụ thủy sản các loại trên địa bàn Hà Nội khoảng 210 ngàn tấn/năm, trong khi đó năng lực sản xuất đạt trên 78.600 tấn, đáp ứng 37,4% nhu cầu, số còn lại được nhập từ các địa phương khác với tỷ lệ 62,6%.
Theo Chi cục Thủy sản và số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích các ao, hồ rất ít, với diện tích 3.526 ha, dùng để thả cá với tổng sản lượng của các ao, hồ là trên 5.000 tấn, chiếm 6,5% tổng sản lượng thủy sản Hà Nội, chiếm 2,4% so với nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên địa bàn thành phố.

Như vậy, việc nghiên cứu chỉ tập trung vào các hồ các quận nội thành thì đối tượng nuôi thả tại đây là phát sinh tự nhiên, ít có giá trị về kinh tế, cũng như sản lượng nhỏ. Vì vậy, để đánh giá chung thủy sản Hà Nội nhiễm kim loại nặng là chưa có căn cứ.

Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản Hà Nội cho biết, tổng số lấy mẫu thủy sản từ năm 2011 đến năm 2013 trên địa bàn là 693 mẫu (thủy sản ngọt khoảng hơn 50%). Số mẫu phân tích kim loại nặng là 559 mẫu, chiếm 80,66%). Số mẫu vượt ngưỡng kim loại nặng là 7 mẫu, chiếm 1,2%; trung bình vượt 1,5% lần mức giới hạn tối đa cho phép.

Các mẫu vượt ngưỡng kim loại nặng trong 3 năm chủ yếu được lấy tại chợ (5/7 mẫu) còn lại 2/7 mẫu đều là mẫu cá basa có nguồn gốc tại miền Nam. Như vậy, đối tượng nhiễm kim loại năng chủ yếu là thủy sản nước mặn.

Nguyễn Văn Cảnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm