14/08/2018 11:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Dù là người được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội hay những người cơ duyên gắn bó với mảnh đất này, đều chung niềm tự hào và tình yêu với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Họ luôn khát khao được cống hiến tâm lực, trí lực, luôn sống hết mình vì Hà Nội... Thủ đô Hà Nội đã có chiến lược rõ ràng, bằng việc ban hành các nghị quyết, chính sách để khuyến khích mọi người, mọi tổ chức sôi thi đua, sáng tạo để nhân lên ngày càng nhiều hành động đẹp, mỗi người đóng góp sức mình cho phát triển Thủ đô, với phương châm “tự giác là sức mạnh mềm” trong thực hành công vụ.
Như trở thành nét đẹp truyền thống, hàng năm Hà Nội đều tổ chức buổi lễ lớn, trang trọng để tôn vinh những cá nhân, những gương điển hình, bông hoa đẹp. Việc làm này không chỉ khơi dây phong trào thi đua sâu rộng tại cơ sở, mà như là dịp để thành phố biết ơn, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đã cống hiến trí tuệ, sức lực cho công cuộc chung. Mỗi năm, Hà Nội biểu dương 10 công dân ưu tú và gần 1.000 gương người tốt việc tốt.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội cho biết: thành phố luôn ghi nhận, dành sự quan tâm đặc biệt cho những cá nhân, những sản phẩm, trí tuệ mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Những tấm gương sáng với nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn, vượt lên chính mình, được mọi người học tập noi theo là điều cần được phát hiện sớm và kịp thời tôn vinh. Nếu không kịp thời xây dựng con người văn minh thanh lịch, thì e rằng sự xuống cấp về văn hóa là khó tránh khỏi. Thành phố cũng từng trăn trở, làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ làm việc làm việc có tâm, có tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt. Song hành với việc áp dụng mệnh lệnh hành chính, xử lý nghiêm đối với cán bộ có biểu hiện suy thoái, hách dịch, quan liêu, nhũng nhiễu người dân, thì thành phố rất chú trọng xây dựng môi trường làm việc tích cực, đảm bảo sự công bằng, thuận tiện cho cán bộ, để họ yêu thích nơi làm việc và vị trí của mình, từ đó yên tâm công hiến – đây mới là vấn đề căn bản, lâu dài và giải pháp bền vững để điều hành công việc chính quyền thông suốt, thân thiện và vì nhân dân phục vụ.
Trong hàng chục ngàn tấm gương của Hà Nội biểu dương, phải kể đến những con người bình dị, nhưng có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với cộng đồng xã hội. Bà Tạ Thị Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ điển hình vì luôn tràn đầy nhiệt huyết với phong trào cơ sở. Gần 20 năm qua, bà cứ cần mẫn giúp hết cháu này đến cháu khác, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến miền Trung xa xôi. Niềm vui không gì lớn hơn với bà Thanh là thấy các cháu trưởng thành, có việc làm ổn định. Các khoản tiền lương, phụ cấp, tiền bồi dưỡng tham gia công tác xã hội, bà không chi tiêu nhiều cho riêng mình mà dành dụm, chắt chiu để đỡ đầu, ủng hộ các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Không thể nhớ bao nhiêu cháu nhỏ được bà giúp đỡ với suy nghĩ “cho đi” không phải để ghi công mà mang lại niềm vui cho các cháu nhỏ, để các cháu bớt đi những nhọc nhằn cuộc sống. Giúp được cháu nào là bà cảm nhận thêm một niềm vui và như tiếp thêm động lực. Biết những thân phận cơ cực, bà lặn lội đến tận nơi thăm nom, giúp đỡ, còn cháu nào ở xa được bà gửi tiền và quà trợ giúp thông qua các tổ chức xã hội. Rồi từ địa chỉ sẻ chia trên báo, trên đài phát thanh, bà Thanh đã tìm đến các cháu có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ hoặc đỡ đầu. Ở tuổi gần 80, đáng ra chỉ hưởng an nhàn, nhưng hàng ngày bà tự tay quét rác mấy ngõ phố quanh nhà đến 3 – 4 lần để đường đi thêm sạch sẽ. Gần đây, khi thấy bà dọn dẹp, nhiều người trong khu phố đã ra làm cùng, đó cũng là một sự lan tỏa cho cộng đồng. Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng, bà Tạ Thị Ngọc Thanh đã vinh dự được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016.
Ở một lĩnh vực khác, cũng đang được thành phố quan tâm, đó là hiện nay thành phố đang rất quan tâm phát triển du lịch, với nhiều giải pháp để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các sản phẩm để phục vụ du lịch ngày càng yếu, bởi các làng nghề đang bị mai một, không đủ sức cạnh tranh đối với thị trường khốc liệt. Thì ở Hà Nội đã có những nghệ nhân tâm huyết, cống hiến ngày đêm để khôi phục và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống của đất Thăng Long, nghề đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai) không tránh khỏi những thăng trầm, biến thiên của cuộc sống. Nhưng đến nay nghề truyền thống quý này đang dần hồi sinh, trong đó có sự đóng góp lớn lao của nghệ nhân Quách Văn Hiểu. Nhiều sản phẩm do ông làm đã đoạt giải trong nước và quốc tế như “Hộp tú cầu đậu bạc”, “Hộp quạt Xuân Hương”, “Ví xách tay” cùng những sản phẩm khác. Đây là một trong bốn nghề tinh hoa nhất đất Thăng Long, bởi nghề này đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn trọng đến cao độ cho mỗi sản phẩm của mình. Bạc nung được kéo thành những sợi chỉ, rồi từ những sợi chỉ bạc này người thợ uốn thành những họa tiết nhỏ gắn vào đồ trang sức, hoặc kết thành nhiều sản phẩm khác nhau và chỉ có bàn tay người thợ đậu bạc ở Định Công mới làm nổi.
Trăn trở với nghề truyền thống cha ông để lại, ông Quách Văn Hiểu cùng một vài nghệ nhân khác trong làng vẫn quyết tâm giữ nghề. Ông vận động con trai theo nghề và tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Dần dần, nhiều khách hàng tìm đến gia đình ông đặt hàng và ông cũng mở rộng gia công, sản xuất ra một số địa điểm khác. Không chỉ giữ nghề, ông còn truyền nghề cho nhiều thanh niên khác trong làng cũng như các vùng khác đến học.
Ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cũng là một trong những bông hoa cần được nhân rộng, bởi không những giảng dạy mà chị nghiên thành công các công trình về vật liệu sơn, vật liệu polymer compozit, vật liệu cách âm, cách nhiệt…
Xuất phát từ thực tế nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành giao thông vận tải, để xây dựng các công trình, phương tiện có chất lượng và tuổi thọ cao trong điều kiện có sự tác động, phá hủy khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Đồng thời để có được các biện pháp sửa chữa, bảo trì phù hợp cho các công trình giao thông hiện có nhằm khai thác triệt để, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công tác nghiên cứu khoa học của chị Thủy tập trung vào “Công nghệ và vật liệu chống ăn mòn kim loại cho các công trình giao thông vận tải trong một số môi trường đặc biệt ở Việt Nam”. Đây là một hướng nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện vai trò của hóa học trong bảo vệ công trình. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ trì 32 đề tài nghiên cứu các cấp, tham gia 42 đề tài nghiên cứu các cấp và công bố 65 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Trong rất nhiều giải thưởng mà nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ này nhận được, phải kể tới Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, Bằng Sáng tạo Khoa học Việt Nam với Công trình " Nghiên cứu chế tạo sơn men bảo vệ kết cấu thép khu vực biển" - Giải Nhì Vifotec 2013. Đồng thời chị cũng được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2017.
Không những chỉ công dân Hà Nội, mà ngày nay những người đến tham quan, học tập, lao động cũng đang dành một tình yêu rất riêng biệt cho Thủ đô.
Bài 3 – Những tấm lòng bạn bè quốc tế với Thủ đô Hà Nội
Văn Cảnh – Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất