04/05/2018 21:34 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Thành phố Hà Nội đã nhiều năm đặt quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo,” song cho đến nay, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tồn đọng hàng trăm trường hợp, làm mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc trong dư luận.
Lần này, với những giải pháp chỉ đạo kiên quyết, cụ thể của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các sở, ngành chức năng đối với đặc thù từng trường hợp vi phạm, liệu việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” của các địa phương có được xử lý nghiêm, triệt để theo đúng lộ trình và cam kết tiến độ?
Vẫn tồn 132 trường hợp khó xử lý
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ năm 2012 đến tháng 10/2017, Hà Nội đã giải quyết được 262/394 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (gọi là công trình “siêu mỏng, siêu méo”) phát sinh khi thực hiện các dự án mở đường.
Kết quả xử lý chủ yếu vận động nhân dân hợp thửa, hợp khối; một số trường hợp đưa vào dự án khác để thu hồi giải phóng mặt bằng (như dự án ga S9 của quận Ba Đình, dự án trạm điện quận Đống Đa...).
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn 132 trường hợp tồn đọng cũ giai đoạn trước 2005, tập trung nhiều ở các quận Ba Đình (65 trường hợp), Đống Đa (15 trường hợp), Cầu Giấy (9 trường hợp), Hai Bà Trưng (13 trường hợp), Tây Hồ (23 trường hợp)...
Đáng chú ý, ngoài những trường hợp còn tồn đọng kéo dài trên, gần đây, tại một số tuyến đường mới mở vẫn tiếp tục xuất hiện những công trình “siêu mỏng, siêu méo” với các hình thù kỳ quặc, có những ngôi nhà diện tích chỉ trên dưới 10m2. Điển hình như hai bên đoạn đường nối từ ngõ 10 Tôn Thất Tùng tới ngõ 139 Khương Thượng, Nam Đồng kéo dài, Trường Chinh, Hoàng Cầu (quận Đống Đa); hay tuyến đường Vành đai 1 (đoạn từ ô Đông Mác đến đê Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng), đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân-Xuân La-Bưởi-Cầu Giấy, quận Tây Hồ)...
Từ thực tế này cho thấy mặc dù Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20/CT-Ủy ban Nhân dân ngày 11/11/2016 về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở, nhưng việc thực thi của các cấp chính quyền vẫn còn buông lỏng, chưa nghiêm nên vẫn tồn tại và phát sinh những trường hợp “siêu mỏng, siêu méo’, ảnh hưởng xấu đến trật tự, mỹ quan đô thị.
Vướng từ người dân và chính quyền
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, khó khăn của các quận trong thời gian qua là việc thu hồi nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” vướng phải sự phản ứng gay gắt của người dân và họ cho rằng “đất không đủ điều kiện về mặt bằng để người dân xây dựng, tại sao chính quyền thu hồi đất ở của dân lại được làm ki ốt, trạm tuần tra...”?
Đặc biệt, việc tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối cũng rất khó khăn, khi bên ngoài bán đòi giá trị cao, bên trong mua muốn trả thấp, đồng thời muốn thông qua nhà nước thu hồi thì mặc nhiên sẽ được ra mặt đường. Hoặc có nhiều trường hợp các hộ xung quanh đã ổn định, không có nhu cầu mua hợp thửa; có người muốn mua lại không đủ điều kiện về tài chính.
Về phía chính quyền, các quận phản ánh rất khó trong việc xác định chức năng sử dụng của thửa đất, nếu thu hồi thì sử dụng vào mục đích gì? Có những vị trí quận không biết lập dự án như thế nào do diện tích và hình thửa không đủ tiêu chí xây dựng công trình công cộng; nếu lát hè hoặc trồng cây xanh sẽ không phù hợp với Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố quy định: “Diện tích đất sau thu hồi được sử dụng vào các mục đích: Lập dự án sử dụng vào mục đích công cộng (không sử dụng để mở rộng vỉa hè, trồng cây xanh, thảm cỏ) có xây dựng tường rào ngăn cách với đất của các hộ liền kề phía trong.”
Trên thực tế, nhiều vị trí đã trở thành hè phố và không thể làm công trình tiện ích nào khác ngoài làm hè, thảm cỏ. Nếu dựng tường rào ngăn cách sẽ bất cập trong quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến việc xử lý tình trạng nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” còn tồn đọng kéo dài là do phần lớn các công trình nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi mở đường. Nhiều công trình được hình thành, nhân dân đã ăn ở ổn định trước ngày 15/3/2005 (thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực theo Điều 121, Luật Xây dựng 2003: "…công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng...").
Hạn chế nữa là việc giải quyết các công trình này dù diện tích lớn hay nhỏ khi thu hồi để xây dựng công trình công cộng đều phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan nên các bước xử lý còn khó khăn. Mặt khác, trong bối cảnh các cơ chế, chính sách ở một số lĩnh vực còn thiếu, chưa đồng bộ, nếu thu hồi làm công trình công cộng trong khi không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, xét về lâu dài vẫn tạo phản cảm mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, điều kiện bố trí vốn ngân sách để thu hồi diện tích đất ngoài chỉ giới (đối với các diện tích < 15m2) còn hạn chế trong khi chi phí thu hồi lớn. Theo báo cáo của các quận, tổng giá trị khái toán xử lý thu hồi 132 trường hợp trên cần khoảng 172,3 tỷ đồng và 92 căn tái định cư, chưa kể kinh phí đầu tư xây dựng công trình công cộng.
Quyết thu hồi và xử lý nghiêm
Với hàng loạt những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý 132 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ giai đoạn trước 2005, trên cơ sở báo cáo đề xuất của các quận, Sở Xây dựng đã cùng liên ngành thành phố làm việc trực tiếp với từng quận và tổ chức thị sát thực tế hiện trạng từng trường hợp. Đồng thời, sau khi có ý kiến thống nhất của liên ngành, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố phương án xử lý với 132 trường hợp cụ thể này. Trong đó, đề xuất xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng đối với 33 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại gây phản cảm; 99 trường hợp giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm.
Lý giải lý do thu hồi 33 trường hợp, Sở Xây dựng cho biết đây là những trường hợp có tính chất đặc thù khác biệt so với các trường hợp khác. Đặc biệt, không thể hợp khối do công trình có hai mặt trước, sau giáp lối đi, bề rộng công trình hẹp (cạnh vuông góc với lối đi); trường hợp công trình gây phản cảm nằm giữa lối đi, nằm đầu ngõ giáp lối ra đường chính gây mất tầm nhìn và an toàn giao thông khi các phương tiện từ trong ngõ đi ra. Trường hợp hiện là đất trống chưa được đền bù về đất, thực hiện thu hồi để xây dựng công trình công cộng.
Đối với nhóm giữ nguyên hiện trạng thì hiện các công trình này đều nằm đan xen với khu vực xung quanh, người dân đã tự cải tạo trên cơ sở nguyên trạng cũ và ăn ở ổn định từ nhiều năm, có sự hài hòa với các công trình lân cận, không còn gây phản cảm như thời gian ban đầu (như trên các tuyến Kim Mã, Đào Tấn...); có điều kiện để người dân tự hợp thửa, hợp khối.
Trước đề xuất trên của Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản chấp thuận về nguyên tắc; yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố tại Chỉ thị số 20/CT-UBND; khẩn trương lập hồ sơ thu hồi phục vụ vào mục đích công cộng đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2 không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm trước thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo.” Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng…/.
Kim Thu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất