29/07/2020 20:06 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến Công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 29/7, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Cùng đó, rà soát các phương án, chủ động phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Tổ chức đưa hàng bình ổn về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổ chức các Chương trình kích cầu nội địa, tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các quận, huyện, rà soát các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm và có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020 đã đề ra; rà soát thống kê các chợ cóc chợ tạm; tổ chức kiểm tra, giải tỏa triệt để các chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn quản lý...
Các địa phương có tăng trưởng âm cần có giải pháp cụ thể để đóng góp vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của toàn thành phố.
Mặc dù, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các quận, huyện, thị xã vừa tập trung phòng chống dịch vừa chỉ đạo đại hội đảng các cấp, song phòng kinh tế các địa phương đã tích cực tham mưu giúp UBND và phối hợp với Sở Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ, đề xuất được nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch được kiểm soát, triển khai bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, các sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Thủ đô.
Ông Lê Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Công Thương Hà Nội) cho hay, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 7,19%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào mức tăng 3,39% của GRDP.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II/2020 đạt 3.604 triệu USD, tăng 14,4% so với quý I/2020 và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6.753 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường xuẩt khẩu lớn kim ngạch xuất khẩu đều giảm: thị trường Hoa Kỳ giảm 6,7%; Trung Quốc giảm 20,8%; Nhật Bản giảm 4,4%...
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, các đại biểu cũng đưa ra thảo luận về các vấn đề như quản lý chợ, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, hay an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đại diện UBND quận Long Biên cho hay, hiện quận Long Biên đang xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm và đánh giá kết quả 2 đợt/năm. Quận Long Biên có 30 chợ, hiện quận đang xây dựng hệ thống quản lý chợ 2021-2025, trong đó tiêu chí an toàn thực phẩm đang được tập trung xây dựng và báo cáo Sở trong thời gian tới. 6 tháng đầu năm, quận đã giải tỏa được 2 chợ cóc, và đến nay, trên địa bàn quận không còn chợ cóc.
Trong khi đó, mô hình trung tâm thương mại Thượng Đình được đánh giá là không hiệu quả, ông Võ Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã có 2 văn bản kiến nghị Sở Công Thương Hà Nội trình UBND thành phố Hà Nội dừng thực hiện mô hình trung tâm thương mại Thượng Đình, giao cho quận thu hồi quyết định đấu thầu, từ đó, quận mới có thể triển khai, sắp xếp, cải tạo chợ Thượng Đình theo mô hình chợ truyền thống.
Tại hội nghị các đại biểu cũng cho rằng, việc phối hợp giữa Sở Công Thương Hà Nội với các quận, huyện đôi lúc còn chưa đạt yêu cầu, một số nội dung Sở triển khai xuống các địa phương triển khai chậm, chất lượng báo cáo chưa đạt, phải đôn đốc nhiều lần như: đầu tư chợ, giải quyết các tồn tại về chợ sau kiểm tra năm 2019, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. Hiện còn tồn tại 59 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới.
Việc quản lý nhà nước đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện còn hạn chế do một số phòng kinh tế của các địa phương chưa nắm chắc được số lượng các loại hình kinh doanh.
Một số địa phương chưa quan tâm đến việc giới thiệu các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại của thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của địa phương, hỗ trợ marketing giới thiệu sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì…. dẫn đến một số sản phẩm địa phương khó tiêu thụ, sức cạnh tranh kém với các tỉnh lân cận và trong vùng. Một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, xuất nhập khẩu.
Nam Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất