14/10/2021 13:29 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Từ 6 giờ ngày 14/10, UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn, cho phép mở lại một số hoạt động, dịch vụ, trong đó các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ.
Quyết định của thành phố Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của người dân Thủ đô.
Đặt chuông báo thức từ đêm 13/10, đúng 6 giờ 15 phút sáng 14/10, em Trần Nguyễn Thu Trang (quận Cầu Giấy) bật dậy, đi xe ra quán phở Tâm Trang ở phố Trần Tử Bình theo lời hẹn với bạn từ trước. Gọi cho mình bát phở bò, hai em cùng thưởng thức thứ quà sáng đặc trưng của người Hà Nội.
“Đợt trước thành phố cho bán mang về, em cũng mang cặp lồng ra mua phở. Vẫn hàng đó, quán đó, nhưng em thấy ăn tại quán vẫn có hương vị ngon hơn hẳn khi mua mang về nhà”, Trang vui vẻ cho biết. Bình thường em sẽ đi ăn cùng gia đình, nhưng do thành phố chỉ cho quán ăn bán tại chỗ hoạt động 50% nên em ăn xong sẽ mua đồ ăn sáng mang về cho những người khác ở nhà.
Thông tin về chỉ đạo của thành phố vào chiều 13/10 khiến nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe rất phấn khởi. Nhiều quán gọi thêm nhân viên trở lại làm việc, tất bật dọn dẹp, kê bàn ghế đến tận đêm để sẵn sàng bán hàng sáng hôm sau.
Chị Phạm Thanh Hằng, chủ quán phở Hằng (phố Trạm, quận Long Biên) cho biết, quán ăn của chị đã dán mã QR từ nhiều ngày trước. Chị cũng đã lắp các vách ngăn tại bàn ăn, mỗi bàn chỉ kê 2 ghế thay vì 4 ghế, chai nước sát khuẩn tay nhanh đặt ở ngoài cửa, chỗ dễ nhìn thấy.
“Được bán hàng tại chỗ là điều mong muốn của các nhà hàng, quán ăn trong nhiều tháng qua. Trong điều kiện dịch còn chưa ổn định bền vững thì những quy định của thành phố là rất cần thiết. Tôi cũng đã xác định, muốn bán hàng lâu dài thì phải thực hiện nghiêm các quy định, cho dù số lượng hàng bán ra có thể chỉ bằng một nửa so với trước đây”, chị Hằng chia sẻ.
Tại một số quán cafe trên phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), mặc dù không được ngồi túm năm tụm ba như trước đây, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khoan khoái ngồi ngắm đường phố, thưởng thức ly cafe thơm lừng trong tiết trời se lạnh đầu đông. Nhiều quán cafe bố trí người nhắc nhở khách hàng quét mã QR theo đúng quy định. Cũng có nhiều người chỉ ghé qua mua rồi vội vã mua mang đi.
Sau khi mở điện thoại quét mã QR, anh Phạm Huy Quân ngồi vào góc quen trong quán 6+Coffee, gọi cho mình ly cafe đen nóng. Chậm rãi thưởng thức, anh Quân chia sẻ, dù được ngồi tại quán, nhưng việc tránh xa đám đông đã trở thành thói quen của anh kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
“Không chỉ tôi mà bạn bè của tôi đều chật vật khi quán đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi vì chúng tôi thường xuyên xử lý công việc tại quán cafe. Nhưng rồi chúng tôi vẫn phải dần thích ứng để dịch sớm được kiểm soát. Bây giờ thì xác định sống chung với dịch nên chắc chắn tôi sẽ phải hạn chế những sở thích và thói quen của mình”, anh Quân bày tỏ.
Tại các quán phở như số 1 Lê Văn Hưu, 32 Lê Văn Hưu, 12 Hàng Chuối ngay từ sáng sớm đã đông khách tới ăn sáng, thậm chí có quán hết hàng lúc 8 giờ 30 phút. Nhiều quán cà phê trên các tuyến phố cổ, phố cũ cũng đã đồng loạt mở cửa. Tuy nhiên, trong ngày đầu mở cửa trở lại bán hàng tại chỗ nên có nhiều quán lượng người ngồi đông và chưa thực hiện giãn cách theo các quy định phòng, chống dịch.
Theo quy định của thành phố Hà Nội, các nhà hàng, quán ăn được phép kinh doanh tại chỗ nhưng không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, khách hàng thực hiện quét mã QR. Ghi nhận của phóng viên TTXVN cho thấy, đây là những quy định không mới nên nhiều nhà hàng, quán ăn đã chuẩn bị các vật tư, điều kiện và thực hiện nghiêm túc ngay từ sáng 14/10. Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cafe tiếp tục bán song song cả tại chỗ và mang về.
Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 13/10 của UBND thành phố Hà Nội thể hiện quan điểm không mở ồ ạt mà thực hiện từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch.
Với tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine còn thấp, người từ 18 tuổi trở xuống chưa được tiêm vaccine thì sự thận trọng của thành phố Hà Nội là phù hợp để vừa thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.
Nguyễn Cúc/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất