30/06/2019 20:07 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thủy sản là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu. Đây cũng là mặt hàng được hưởng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hiệp định EVFTA được ký kết sẽ có tới 90% số dòng thuế suất của mặt hàng thủy sản được cam kết cắt giảm về 0% (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội lớn để ngành thủy sản bứt phá.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%; trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Nhưng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 -7 năm.
Một số mặt hàng đặc biệt như: cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Như vậy, Hiệp định EVFTA đi vào thực thi là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU.
Ông Hòe cho biết, đối với ngành thủy sản, EU là thị trường quan trọng với 28 nước thành viên. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu tôm với 14% thị phần sau Ấn Độ. Khi EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thì thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam và thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU và khối CPTPP đều được cắt giảm. Trong khi đó, Ấn Độ không phải thành viên CPTPP và quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh với Ấn Độ.
Theo VASEP, với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Mỹ được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt với kim ngạch dự kiến sẽ đạt 750 triệu USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là EU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Anh và Hà Lan. Đó là cơ sở để ngành tôm phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt mức 1,5 tỷ USD trong năm 2019.
"Đối với sản phẩm cá tra, thị trường EU sẽ được hồi phục. Đặc biệt là các nước sử dụng tiếng Tây Ban Nha, sau sự cố khủng hoảng truyền thông về mặt hàng này. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để xử lý sự cố trên. Hiện nay, thị trường này đang có dấu hiệu hồi phục. Khi EVFTA được ký kết thì các nhà nhập khẩu sẽ yên tâm hơn đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam" - ông Hòe nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP nhận định, vị thế của cá tra trên thị trường thủy sản thế giới đang từng bước được khẳng định. Hiệu quả xúc tiến thương mại trong nhiều năm cộng với nhu cầu thị trường đối với mặt hàng này đang có xu hướng tăng lên. Điều này giúp sản phẩm cá tra Việt Nam có thị phần tiêu thụ nhất định và được người tiêu dùng thế giới đón nhận.
Với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU và cũng không phải là thành viên của CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU và thị trường các nước thành viên CPTPP.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ký kết EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều quốc gia chưa tham gia các FTA.
Theo các doanh nghiệp, cạnh tranh về giá trong ngành thủy sản hiện nay là rất lớn. Trong khi đó, mức thuế xuất khẩu thủy sản vào một số thị trường hiện nay rất cao. Cụ thể, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU có mức thuế trung bình từ 6 - 20%, mặt hàng cá ngừ cũng có mức thuế từ 11 - 20%.
Để đón đầu Hiệp định EVFTA, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đang cố gắng đa dạng thị trường nhằm cân bằng và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, thị trường Trung Quốc của ANV còn mới và chỉ chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018; thị trường châu Âu chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và duy trì nhiều năm nay. Riêng thị trường Mỹ, do đang chịu thuế bán phá giá cao nên ANV chưa thâm nhập được. Đi kèm với chiến lược đa dạng vùng nuôi, ANV cũng tập trung hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, đến nuôi cá bố mẹ, cá giống, chế biến và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Hiệp định EVFTA có một số thách thức về hàng rào kỹ thuật mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải lưu ý. "Để tận dụng được ưu đãi, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU. Đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng để khai thác được lợi thế của mình, nếu không thì sẽ gặp khó khăn" - ông Hòe nhấn mạnh.
Thực tế, các yêu cầu này không phải quy định của một thị trường nào mà đã trở thành xu hướng chung của toàn cầu, nhất là đối với thủy sản Việt Nam khi 70% nguyên liệu đầu vào là từ nuôi trồng. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để cung cấp số liệu, hồ sơ, quy trình truy xuất nguồn gốc một cách bài bản để tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững.
Thành Trung (TTXVN)
Bài cuối: Cơ hội tăng dòng vốn đầu tư và khẳng định vị thế Việt Nam
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất