24/02/2018 19:29 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Xung quanh chủ trương hướng dẫn Phật tử không đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi nhanh với Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chính là người kí công văn số 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) với nội dung đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam" và được dư luận quan tâm đặc biệt trong những ngày qua.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói:
- Như mọi người đã biết, thời điểm đầu năm mới cũng là dịp các lễ hội diễn ra ở mọi miền tổ quốc. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, gắn với hầu hết mọi đình, chùa tại các địa phương. Thậm chí, ở nhiều vùng, kết cấu đình – chùa lại gắn liền với nhau trong một không gian.
Thực tế, hàng năm, GHPGVN vẫn có công văn hoặc thông báo gửi tới Ban trị sự GHPGVN tại các địa phương để cùng khuyến cáo Phật tử tham dự lễ hội một cách văn minh và an toàn. Trong năm 2018 này, sau khi bàn bạc, chúng tôi nhận thấy rằng việc khuyến cáo, động viên bà con Phật tử không đốt quá nhiều vàng mã là cần thiết.
* Đâu là những lý do để GHPGVN đưa ra hướng dẫn này?
- Vắn tắt, thì tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Hoa. Thời phong kiến của họ, các vị hoàng đế khi chết đi thường chôn theo cung tần, mĩ nữ, người hầu hạ. Về sau, để thay đổi tục lệ ấy, họ làm ra hình nhân và vàng mã để đốt. Do các yếu tố lịch sử, việc đốt vàng mã được truyền vào Việt Nam và trở thành tập tục. Tuy nhiên, tập tục này chỉ gắn với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không hề có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã cả.
Cũng cần nói thêm, dù là tập tục, khi xưa bà con cũng chỉ đốt một ít vàng mã mang tính tượng trưng. Còn ngày nay, khi kinh tế đi lên, với cách nghĩ “trần sao âm vậy”, người ta đã chế ra những thứ càng giống thật càng tốt, rồi cả những đồ vật rất hiện đại như ô tô, điện thoại, đô la. Mặt trái của việc đốt vàng mã thì dư luận đã nhắc đến nhiều rồi. Đó là nguy cơ gây hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là việc phung phí một nguồn tiền rất lớn – mà lẽ ra có thể sử dụng vào các mục đích an sinh xã hội.
* Vậy, hòa thượng có nghĩ rằng công văn số 31 sẽ thay đổi được thực tế này không?
- Việc hạn chế vàng mã là vấn đề phụ thuộc vào dân trí. Đặc biệt, khi đã trở thành truyền thống và gắn với tâm linh, đặt ra chuyện xóa bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã là không đơn giản. Chúng ta chỉ có thể vận động bà con từng bước hạn chế đốt vàng mã trong khi chờ ý thức của mọi người được nâng cao.
Trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến khích các Phật tử và bà con hạn chế đốt vàng tại các cơ sở Phật giáo, và nếu có đốt thì cũng chỉ dùng rất ít, mang tính tượng trưng. Thực tế, nhìn vào dư luận thời gian qua, tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ điều này. Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, chẳng hạn như ở khâu hạn chế, hoặc đánh thuế cao đối với các cơ sở sản xuất vàng mã.
* Xin cám ơn Hòa thượng về cuộc trò chuyện này.
Sơn Tùng – Yên Khương (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất