09/10/2019 20:08 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Chính thức ra đời ngày 12/10/1960 tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã thực hiện và hoàn thành “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà, đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế trong suốt quá trình 15 năm hoạt động dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975).
Xung kích trên mặt trận thông tin
Sau chiến thắng Tua Hai (ngày 26/1/1960) tại Tây Ninh, Cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) và xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20/12/1960) và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã giao đồng chí Đỗ Văn Ba, nguyên phụ trách Chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam bộ trong thời kháng chiến chống Pháp, chịu tránh nhiệm về nhân sự, phương tiện kỹ thuật… chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, Thông tấn xã Giải phóng cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
Từ đó, bản tin của Thông tấn xã Giải phóng phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan thông tin ở Việt Nam và ở nước ngoài (phần lớn thông qua Việt Nam Thông tấn xã) lúc bấy giờ, cũng như đối với những người quan tâm tình hình miền Nam Việt Nam trước ngày thống nhất đất nước.
Hoạt động trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, Thông tấn xã Giải phóng liên tục phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần, trong đó ở Khu V, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Tuy nhiên, Thông tấn xã Giải phóng luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn – Gia Định… đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt, thông tin kịp thời thành tích của quân dân ta từ chiến thắng tại Ấp Bắc (năm 1963), Bình Giã (năm 1964) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Cùng với đó, Thông tấn xã Giải phóng đã thường xuyên phát đi những thông tin chính thức trong vai trò, tư cách là cơ quan phát ngôn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thức, chính thống có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.
Ngoài thông tin trên chiến trường, Thông tấn xã Giải phóng còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Từ đầu năm 1969 đến ngày 27/1/1973, ngày bốn bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, hàng ngày các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của Thông tấn xã Giải phóng. Những thông tin này phục vụ đắc lực công việc đàm phán.
Luôn chắc tay bút, tay máy - vững tay súng
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ. Qua đó, luôn xứng danh với 16 chữ vàng mà Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng năm 1968: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Tại căn cứ cũng như các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đều được trang bị vũ khí, từ súng tiểu liên đến cả súng chống tăng và súng cối 82 mm. Không chỉ cầm súng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nơi trú đóng mà tất cả phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khi tham gia đưa tin trong các trận đánh đều trở thành chiến sĩ, luôn “tay viết-tay súng, tay máy-tay súng”.
Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã kiên cường chiến đấu với quân địch và sẵn sàng hi sinh để bảo toàn căn cứ. Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để kịp thời chuyển tải những thông tin lãnh đạo của Đảng ta đến chiến sĩ, nhân dân miền Nam, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hi sinh như người lính.
Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, vào tháng 3/1967, tại căn cứ Tây Ninh, đã bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ và anh dũng hi sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”; đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân. Rồi như đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam bộ bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hi sinh để bảo toàn căn cứ.
Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của các nhà báo – chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (khu V) đã được ghi vào sổ vàng lịch sử, như ngày 20/4/1968 bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15/9/1968 bắn diệt 14 lính Mỹ tại dốc Bình Minh; ngày 10/12/1968 bắn diệt 2 lính Mỹ ở đồi Dốc Nón; ngày 10/4/1969 bắn diệt 17 lính Mỹ ở Thôn 4, Trà My… Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, đã có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng anh dũng hi sinh.
Nhiều trường hợp hi sinh cả tập thể, cơ quan bị xóa sổ nhiều lần, nhưng các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể như Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hi sinh năm 1968; Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên; Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hi sinh do bom địch năm 1969…
Rồi có gia đình, hai cha con, hai anh em ruột đều là liệt sĩ của Thông tấn xã Giải phóng. Trong số các liệt sĩ của Thông tấn xã Giải phóng có đồng chí Phó Giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hi sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21/9/1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho đường phố ở Việt Nam (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Điểm qua những hi sinh, mất mát to lớn trên của Thông tấn xã Giải phóng để thấy được sự can trường, dũng cảm của những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng hi sinh để duy trì "mạch máu" thông tin giữa chiến trường ác liệt. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương hơn 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974.
Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam nói chung, Thông tấn xã Giải phóng nói riêng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hi sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.
Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Anh Tuấn (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất