Lãnh đạo Cục Đường sắt nhận kỷ luật gì sau hàng loạt tai nạn tàu hỏa?

13/07/2018 15:39 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam tự nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, Phó Cục trưởng nhận trách nhiệm hình thức kỷ luật khiển trách do liên đới các vụ tai nạn đường sắt xảy ra hồi tháng Năm vừa qua.

Thông tin này được đưa ra tại báo cáo của Cục Đường sắt gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân của đơn vị này trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Chú thích ảnh

Theo đó, Cục Đường sắt đã tiến hành họp, phân tích mức độ ảnh hưởng của các vụ tai nạn, trách nhiệm của Cục và của các công chức thanh tra trong thực thi công vụ.

Cuộc họp đã thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc diện Bộ Giao thông Vận tải quản lý gồm Cục trưởng Vũ Quang Khôi nhận trách nhiệm phê bình nghiêm khắc và chịu hình thức kỷ luật của Bộ Giao thông Vận tải do liên đới trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu; Phó Cục trưởng Khương Thế Duy nhận trách nhiệm hình thức kỷ luật khiển trách do trực tiếp phụ trách công tác an toàn giao thông đường sắt.

Ngoài ra, lãnh đạo các phòng tham mưu và Thanh tra an toàn của Cục Đường sắt có 3 người chịu kỷ luật khiển trách, 11 người chịu hình thức phê bình nghiêm khắc.

Cục Đường sắt cũng nhấn mạnh những vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng nguyên nhân do nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy trình tác nghiệp trên, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Giao thông Vận tải và của Cục Đường sắt Việt Nam.

“Việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc Cục trực tiếp hay gián tiếp đến công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là cần thiết để mang tính chất răn đe, chấn chỉnh trong thực thi công vụ bảo đảm đạt hiệu quả cao hơn khi thanh tra, kiểm tra,” Cục trưởng Vũ Quang Khôi cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, sáu tháng đầu năm nay (tính đến ngày 15/6), đã xảy ra 153 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 70 người, bị thương 66 người. So với cùng kỳ 2017 giảm 12 vụ (-7,27%), giảm 06 người chết (-7,89%), giảm 22 người bị thương (-25%).

Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện nay có 5.719 đường giao cắt với đường sắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt tổ chức ở những đường cắt ngang lớn có nhiều phương tiện qua lại, 4.200 đường giao cắt dân sinh còn lại là đường nhỏ kết nối các khu cụm dân cư, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Trong tháng Năm vừa qua, trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước…

Sau các vụ tai nạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đình chỉ công tác với 10 cán bộ, nhân viên trực tiếp có liên quan tới các sai sót dẫn tới tai nạn đồng thời yêu cầu 12 lãnh đạo các đơn vị, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm liên đới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

Tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt vào vào ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thành thật xin lỗi các gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, vị Tư lệnh ngành giao thông cũng chịu trách nhiệm trước toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có đường sắt.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm