09/10/2018 11:05 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Khoảng 130 triệu trẻ em, tương đương 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị dọa nạt dưới nhiều hình thức và tình trạng này khiến các em chịu hậu quả rất lâu dài. Đây là nội dung báo cáo mới nhất được Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 8/10.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong sự kiện công bố báo cáo ở trụ sở LHQ, bà Marta Santos Pais, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về vấn đề chống bạo lực trẻ em, khẳng định “được bảo vệ không bị dọa nạt là quyền cơ bản của trẻ em”, đồng thời hoan nghênh một số nước ngày càng quan tâm vấn đề này thông qua việc phê chuẩn các chính sách và quy định về bảo vệ trẻ em
Tuy nhiên, bà Pais cũng chỉ ra một số vấn đề chính yếu cần có sự chung tay của các chính phủ cũng như các tổ chức liên quan để có thể cải thiện tình hình. Theo bà, việc ngăn chặn tình trạng dọa nạt từ khi các em còn nhỏ là rất quan trọng và việc cha mẹ quan tâm con cái sẽ giúp sớm phát hiện nguy cơ trẻ bị ức hiếp khi đến tuổi vị thành niên.
Bà Pais trích dẫn báo cáo nêu rõ khoảng 176 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã phải chứng kiến bạo lực trong gia đình thường xuyên và việc sống trong môi trường như vậy khiến các em bị lệch lạc về tâm lý và có nguy cơ trở thành những người đi dọa nạt bạn bè gấp đôi những trẻ khác. Khoảng 30% trẻ vị thành niên ở 39 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ thú nhận từng bắt nạt bạn ở trường.
Số liệu phân tích tình trạng dọa nạt học đường ở Ethiopia, Ấn độ, Peru,... cũng cho thấy bạo lực học đường cả bằng lời nói cũng như hành động của chính thày cô giáo và các bạn là lý do phổ biến nhất khiến trẻ không muốn đến trường, nghiêm trọng hơn nữa là khiến các em không thể tiếp thu bài và trở nên tự ti.
Một số lý do điển hình khiến trẻ dễ bị dọa nạt là tình trạng bị béo phì, chủng tộc, màu da hay hành vi cư xử khác với giới tính bên ngoài của trẻ. Ngoài ra, tình trạng bị dọa nạt trên mạng xã hội cũng nguy hiểm không kém vì vụ việc có thể lan rất nhanh, nhiều người biết và gần như khó có thể xóa hết khỏi mạng Internet. Chính vì vậy, các chính phủ cũng như các tổ chức cần phải có nhiều biện pháp thiết thực, ví dụ như lập đường dây nóng để các em có thể phản ánh kịp thời. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia giáo dục cần thu thập đủ dữ liệu để xây dựng các chương trình và chiến lược phù hợp.
Về phần mình, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cam kết sẽ hỗ trợ nghiên cứu và bổ sung dữ liệu trong báo cáo thường niên về vấn đề này bắt đầu từ tháng 1/2019.
TTXVN/Hải Vân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất