13/06/2018 15:33 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 12/6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Đây là dự luật quan trọng, được đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm.
Trao đổi với phóng viên sáng 13/6, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, chỉ rõ mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng không gian mạng lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước.
Vì vậy, trong Luật có nhiều quy định tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm không gian mạng nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban rất quan tâm đến việc làm thế nào thiết lập cơ chế pháp lý, bên cạnh Luật An toàn thông tin mạng, để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, là cơ hội phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng khẳng định khi Luật ra đời, không có việc kiểm tra, kiểm soát các hệ thống thông tin trên không gian mạng.
Luật chỉ tập trung vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đó là hệ thống thông tin quan trọng về quân sự, quốc phòng, an ninh, đảm bảo hoạt động điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trên lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội.
“Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Một số diễn đàn trên mạng và trong dư luận nhân dân còn nhầm lẫn về chuyện dự án luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ xâm phạm quyền tự do của cá nhân, tổ chức, của doanh nghiệp,” ông Nguyễn Thanh Hồng nêu.
Đối với vấn đề đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, Luật An ninh mạng khi được thông qua không còn quy định này.
Bên cạnh đó, việc quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không phải lần đầu tiên được quy định trong Luật này. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải “có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng.”
Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, tổ chức chính trị, tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, dự thảo Luật đã bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt Nam.
Về việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Dẫn chứng việc thời gian qua, Facebook đã cung cấp cho Công ty Cambridge Analytica dữ liệu của 87 triệu người dùng, trong đó có gần 500 nghìn dữ liệu người dùng tại Việt Nam để phục vụ mục đích chính trị, ông Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ cần có giải pháp phòng ngừa nhằm tránh việc một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, sử dụng thông tin của cá nhân nhằm mục đích không hợp pháp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng việc thực hiện Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nhận định này không chính xác.
Mục tiêu của Luật là phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, có giải pháp phòng ngừa việc xâm nhập tấn công vào các hệ thống thông tin của Nhà nước, doanh nghiệp, thậm chí thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội.
Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân nước ngoài tấn công vào hệ thống mạng lan truyền chương trình virus độc, chiếm giữ dữ liệu của cá nhân, tổ chức, yêu cầu cá nhân tổ chức trả tiền mới khôi phục lại các dữ liệu.
“Đây là minh họa rõ ràng cho thấy, Luật An ninh mạng ra đời góp phần bảo đảm sự an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thiết lập cơ chế bảo vệ người dùng khi có sự cố xảy ra”, ông Nguyễn Thanh Hồng nêu.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất