04/09/2018 07:16 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, theo Báo cáo nhanh các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến hết 2/9 đã làm 13 người chết gồm Sơn La 1, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 9, có 3 người mất tích tại Thanh Hóa.
Đã có 364 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% gồm Điện Biên 14, Sơn La 44; Yên Bái 2, Lào Cai 1, Cao Bằng 2, Lạng Sơn 3, Thái Nguyên 1, Phú Thọ 3, Thanh Hóa 267, Nghệ An 27; 754 nhà phải di dời khẩn cấp Sơn La 616, Hòa Bình 18, Yên Bái 82, Lào Cai 2, Phú Thọ 9, Nghệ An 27 căn; 6.523 ha lúa, hoa màu, thiệt hại Điện Biên 82, Sơn La 869, Hòa Bình 34, Lào Cai 198, Yên Bái 594, Bắc Cạn 44, Phú Thọ 90, Thanh Hóa 4.586, Nghệ An 26.
512 con gia súc, 56.367 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 963 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 620m kè và 6.174m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Sạt lở 89.396 m3 đất đá.
Hiện tại các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 137.400 ha gieo trồng trong vụ Hè Thu và 43.028 ha gieo trồng trong vụ Thu Đông thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng lũ thuộc 4 tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Các tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung công văn số 438 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam, Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại Văn phòng Chi cục phòng chống thiên tai miền Nam.
Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127 ngày 31/8 về việc phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều; tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất
Riêng tỉnh Thanh Hóa tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.
Đối với các hồ chứa khu vực miền Trung: Tổ chức tính toán, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến các hồ chứa để sẵn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành đảm bảo an toàn hạ du.
Thăm hỏi các gia đình có người thiệt mạng do mưa lũ tại Thanh Hóa
Ngày 3/9, đoàn công tác của Trung ương Đoàn do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên người thân 5 gia đình có người bị thiệt mạng do mưa lũ tại huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Tại nơi đến thăm, đại diện Trung ương Đoàn, đại diện tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã thăm hỏi, chia sẻ những mất mát về người, tài sản của người dân. Đồng thời, trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng của Trung ương Đoàn và Báo Tiền Phong cho mỗi gia đình.
Tại xã Cẩm Lương, đoàn công tác đã đến thăm, động viên, tặng quà một số đội Thanh niên tình nguyện đang làm việc tại xã Cẩm Lương và thị trấn Cẩm Thuỷ. Tại đây, đồng chí Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã thăm hỏi, động viên các thanh niên tình nguyện và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn nỗ lực đảm bảo các điều kiện để học sinh đến trường và khai giảng ngày 5/9.
Cũng trong dịp này, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ 14 gia đình có người chết, mất tích trong các đợt mưa lũ tháng 8 ở tỉnh Thanh Hoá mỗi trường hợp 2 triệu đồng. Báo Tiền Phong và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 quyết định thăm hỏi và tặng 14 gia đình có người thiệt mạng hoặc mất tích vì lũ lụt mỗi gia đình 3 triệu đồng.
Mưa lớn lũ trên các sông, suối ở Lào Cai dâng cao
Theo thông tin từ Đài khí tượng và thủy văn tỉnh Lào Cai, đêm về sáng 3/9, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh lên đột ngột, kết hợp với tác động của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ đã làm các khu vực trên địa bàn tiếp tục có mưa, mưa rào trên diện rộng và dông rải rác.
Nhiều địa phương có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to dữ dội trút xuống như: Xã Việt Tiến (Bảo Yên) 25,4mm; xã Long Phúc (Bảo Yên) và thị trấn Sa Pa cùng mưa 28mm, xã Mường Hum (Bát Xát) 45,4mm. Xã Cốc Ly (Bắc Hà) mưa to 53mm, xã Bản Vược (Bát Xát) nhiều hơn 59,6mm; Phố Lu (Bảo Thắng) 64mm. Thành phố Lào Cai mưa rất to với lượng 110mm, xã Gia Phú (Bảo Thắng) mưa nhiều nhất 165,2mm. Đây là trận mưa lớn nhất ghi nhận được tại 2 địa phương trên tính từ đầu mùa mưa đến nay.
Mưa đều khắp khiến các sông suối trong tỉnh đồng loạt xuất hiện một đợt lũ. Lúc 7 giờ ngày 3/9, Trạm thuỷ văn Lào Cai quan trắc được mực nước trên sông Hồng lên tới 79,59m; dưới báo động 1 là 0,41m. Sông Chảy tại Bảo Yên đạt mức 72,98m; xấp xỉ báo động 2. Hiện lũ trên 2 sông vẫn đang lên đe dọa đến diện tích hoa màu của người dân ở ven sông.
Thanh Hóa: Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi
Ngày 3/9, ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Do tối 2/9, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xảy ra mưa to khiến tình trạng sạt lở chia cắt tại các huyện miền núi vẫn rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.
Theo đó, tuyến Quốc lộ 15 C đã có 40 km đường bị sạt lở nghiêm trọng (đoạn từ xã Trung Lý lên đến trung tâm huyện Mường Lát) khiến huyện này bị cô lập hoàn toàn với vùng xuôi. Dự kiến phải mất 5-7 ngày tới mới thông tuyến Quốc lộ 15 C. Không chỉ bị cô lập về giao thông, thông tin liên lạc của huyện Mường Lát cũng bị hỏng hoàn toàn. Ngoài ra các huyện Quan Hóa, Quan Sơn cũng bị sạt lở, gây tắc đường, ngập sâu hàng chục điểm trên các tuyến Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, Quốc lộ 217… Các tuyến đường tuần tra biên giới của các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân cũng xảy ra sạt lở chưa thống kê được.
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông, đồng thời chỉ đạo lực lượng trực gác lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập sâu, sạt lở, tắc đường.
Bộ Chỉ huy quân sự đã huy động 211 cán bộ chiến sỹ, 2.286 dân quân cơ động giúp dân sơ tán, di dời, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng Biên phòng cũng huy động tối đa lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm người mất tích, tham gia sơ tán. Lực lượng công an cũng huy động trên 1.600 lượt cán bộ, chiến sỹ đến các huyện miền núi tổ chức di dời người dân đến vùng an toàn, tổ chức cắm chốt lực lượng, phân luồng, hướng dẫn, kiểm soát phương tiện giao thông không cho đi vào các điểm sạt lở nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán trên 5.000 hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng thấp trũng, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá, gần 7.300 hộ dân, các huyện, thành phố có đê sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn đến nơi sơ tán an toàn.
Thái Nguyên khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Từ ngày 28/8 đến ngày 2/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa lớn kéo dài gây ra lũ, ngập úng, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Theo thống kê sơ bộ, 1 nhà dân ở xóm Gốc Cọ, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương bị đổ sập hoàn toàn làm 1 người bị thương nặng; 4 hộ dân khác ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương bị hư hỏng do đất đá sạt lở. Mưa lớn còn làm đổ 130 mét tường rào của Trường Trung học Cơ sở Phú Cường (huyện Đại Từ) và Trường Tiểu học Đào Xá (huyện Phú Bình); gây ngập úng trên 312 ha lúa và hoa màu tại huyện Phú Bình.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Định Hóa, mưa lũ làm sạt lở nhiều vị trí trên Quốc lộ 3C đoạn qua địa bàn huyện gây ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân. Tại khu vực xã Phú Đình đã xảy ra lũ quét cục bộ, cuốn theo hàng trăm mét khối đất đá làm hư hại và ảnh hưởng đến toàn bộ hiện trạng, khuôn viên Di tích nơi ở, làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở xóm Nà Mòn; Sạt lở đất phía sau nhà bia điểm Di tích lịch sử Đồi phong Tướng (thôn Tỉn Keo).
Sáng 3/9 chính quyền địa phương cùng các cán bộ Ban Quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa đã huy động lực lượng tiến hành di chuyển hiện vật tại các di tích trên đến nơi an toàn bảo quản và khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Lai Châu: Mưa lũ làm 3 người chết và mất tích, nhiều tuyến đường tắc nghẽn
Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ cuối giờ chiều 2/9 đến trưa 3/9 đã xảy ra sạt lở, lũ ống làm 2 người chết, nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn, một số địa phương bị chia cắt tạm thời.
Tại huyện Mường Tè, mưa lũ đã làm 2 người chết trong đó có một trẻ em. Cụ thể, tại xã Tà Tổng đất đá sạt lở vùi lấp lán nương của một gia đình khiến cháu Vàng Hư Xỉ, sinh năm 2017 tử vong. Tại xã Nậm Khao, do ngã xuống cống thoát nước khi nước lũ chảy siết, nạn nhân Lò Văn Thương, sinh 1994, bản Pô Lếch đã thiệt mạng.
Theo ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè: Mưa lũ làm tuyến Quốc lộ 4H và tỉnh lộ 127 bị sạt lở nhiều điểm khiến giao thông tắc nghẽn, hiện huyện này đang bị chia cắt tạm thời. Ngoài ra, mưa lũ khiến hầu hết các tuyến đường đến trung tâm các xã của huyện đều bị sạt lở, không thể lưu thông. Huyện Mường Tè đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung máy móc, cố gắng thông các tuyến đường liên xã trước chiều 4/9. Huyện cũng yêu cầu các xã chỉ đạo lực lượng tại chỗ khắc phục tuyến đường đi bản để đảm bảo giao thông tạm thời phục vụ công tác khai giảng năm học mới.
Tại huyện Phong Thổ, mưa lũ đã cuốn trôi 2 người đi đường lúc 21 giờ tối 2/9 tại địa phận thôn Pa So thị trấn thuộc huyện này. Người dân đã cứu được một người, một người còn mất tích là Chẩu A Máu, sinh năm 1999, trú tại xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên. Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tìm kiếm nạn nhân mất tích trên dòng sông Nậm Na. Ngoài ra, mưa lũ làm hư hại 2 nhà dân, nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc cục bộ. Hiện lực lượng cứu hộ địa phương và các đơn vị đảm bảo giao thông đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Lãnh đạo Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Lai Châu cho biết, mưa lũ khiến các tuyến quốc lộ 4D, 4H, 12; các tuyến tỉnh lộ 127, 128, 129 bị sạt lở nhiều đoạn gây tắc nghẽn giao thông cục bộ. Một số diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại, thành Phố Lai Châu và thị trấn Phong Thổ nhiều điểm bị ngập úng cục bộ…
Thảo Nhi (Theo TTXVN, Vnews, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất