22/09/2017 15:41 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 22/9, tại thành phố Cần Thơ, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng Báo ảnh Dân tộc và Miền núi khu vực phía Nam.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cơ quan thường trú TTXVN tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi là ấn phẩm của TTXVN và là ấn phẩm báo chí song ngữ duy nhất ở Việt Nam được xuất bản bằng chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số với 12 song ngữ bao gồm: Việt - Khmer, Việt - Bahnar, Việt- Jrai, Việt - Ê đê, Việt - Chăm, Việt - Mông, Việt - Kơ ho, Việt - Hơ nông, Việt - Tày, Việt - Xê đăng, Việt - Cơ tu và Việt - Hoa. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi hiện được phát hành tại 45 tỉnh, thành phố và vùng đồng bào dân tộc với số lượng 75.000 bản/kỳ/tháng.
Với nội dung phong phú, hình ảnh đẹp và chân thật, nội dung phiên dịch chính xác, ngôn ngữ trong sáng và dễ hiểu, ấn phẩm đã trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với bà con, góp phần đắc lực vào việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại, chống lại sự chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, tạo sự đồng thuận để xây dựng quê hương.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến, đánh giá cao vai trò, chức năng tuyên truyền của Báo, nội dung và hình thức của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ngày càng được nâng cao; đồng thời, phân tích, góp ý nhằm nâng cao chất lượng, tăng số lượng phát hành Báo đến đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cho biết, với vai trò là cơ quan báo chí chính thống của Đảng và Nhà nước, TTXVN đang nỗ lực thông qua các sản phẩm thông tin của mình với chức năng là ngân hàng cung cấp thông tin cho toàn bộ hệ thống báo chí trong cả nước, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đúng quan điểm, đường lối chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc phát hành các ấn phẩm song ngữ đã được TTXVN chỉ đạo và nghiên cứu sát với từng nhóm đối tượng. Nội dung và hình thức các ấn phẩm được xây dựng, thiết kế phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số, có tính đến các yếu tố vùng miền, địa bàn cư trú và trình độ phát triển. Với đặc thù như trên, phương thức chuyển tải phải ấn tượng, hình ảnh phải sinh động, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo, thiết kế nội dung và hình thức của mỗi ấn phẩm song ngữ có tính đến bản sắc riêng của đối tượng đọc giả...
TTXVN mong muốn các tỉnh, thành và địa phương đang thụ hưởng Báo ảnh Dân tộc và Miền núi tiếp tục hợp tác chặc chẽ, ủng hộ Tòa soạn Báo ảnh Dân tộc và Miền núi trong thực hiện các nội dung thông tin cũng như công tác phát hành, giúp ấn phẩm này đến đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đánh giá cao TTXVN xuất bản các ấn phẩm song ngữ bằng 12 thứ tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có song ngữ Việt - Khmer, Việt - Hoa mang tính đặc thù ở Tây Nam bộ. Số lượng phát hành Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ngày càng tăng, chất lượng thông tin ngày càng đa dạng, mang tính định hướng cao, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị TTXVN tăng cường tuyên truyền về kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, công tác liên kết vùng, các lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề, an sinh xã hội, chăm lo các gia đình thương binh liệt sĩ và người có công; kịp thời giới thiệu những điển hình, kinh nghiệm hay trong đời sống, sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc góp ý, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cần quan tâm cân đối nội dung hợp lý giữa các vùng miền, đưa tin bài có liên quan đến phong tục, tập quán của các dân tộc. Báo cũng cần quan tâm đào tạo đội ngũ phóng viên có trình độ, am hiểu về phong tục, tập quán, tôn giáo của từng dân tộc để dễ dàng truyền tải hết ý nghĩa trong đời sống về kinh tế, văn hóa, xã hội của từng dân tộc, mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác tuyên truyền.
Về công tác phiên dịch, bà Huỳnh Thị Sômaly cho rằng, Báo cần nghiên cứu, sưu tầm và thẩm định thật kỹ trước khi xuất bản, phát hành, đặc biệt là cần tham vấn các học giả trí thức là người dân tộc hoặc mời cộng tác viên là người dân tộc viết những bài có tính nghiên cứu sâu rộng về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc mình... Tòa soạn Báo cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, từ đó nắm bắt kịp thời những ý kiến đóng góp của các chức sắc tôn giáo, nhà nghiên cứu, trí thức dân tộc thiểu số để có sự điều chỉnh kịp thời, phục vụ nhu cầu của đọc giả phù hợp với xu hướng phát triển của Báo...
TTXVN/Ngọc Thiện
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất