Nghi án mẹ giết con: Hơn 80% người trầm cảm sau sinh có ý định tự sát

16/06/2017 06:54 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Mang thai là giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên, mang thai dẫn đến hàng loạt thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần và đôi khi gây ra những bệnh không mong muốn như trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh.

Hiểm họa khôn lường

Trầm cảm sau sinh xảy ra vài ngày hoặc vài tháng sau khi sinh con, ảnh hưởng đến cả phụ nữ lần đầu làm mẹ lẫn người đã nhiều lần "vượt cạn". Theo thống kê trên toàn thế giới, cứ 100 ca sinh lại có khoảng 10 trường hợp bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh (có tên tiếng Anh viết tắt là PPD).

Các triệu chứng cơ bản của chứng trầm cảm sau sinh bao gồm: Luôn cảm thấy buồn bã và rất hay khóc; không thể hiện cử chỉ yêu thương, gần gũi với em bé mới sinh; mất ngủ triền miên và ăn rất ít so với bình thường; luôn cảm thấy lo lắng và không yên tâm về em bé mới sinh; cảm thấy có lỗi vì nghĩ rằng mình không phải là người mẹ tốt. Ngoài ra, bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh còn dễ nổi giận vô cớ, cơ thể lúc nào mệt mỏi và thường tránh tiếp xúc với người thân và bạn bè.

Chú thích ảnh

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là do trong quá trình mang thai, hormone estrogen và chất dưỡng thai trong cơ thể thai phụ rất cao. Sau khi sinh, chúng giảm nhanh chóng, sinh ra rối loạn tâm thần. Cùng với đó hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi; thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé khiến một số mẹ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mất ngủ. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

Những người có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh bao gồm: sinh con ở tuổi thành niên (dưới 20 tuổi); sinh con ngoài ý muốn; mẹ hút thuốc lá hoặc có sử dụng thuốc gây nghiện trong thai kỳ.

Bên cạnh đó, trầm cảm sau sinh còn thường xuất hiện trên những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thất nghiệp, không hài lòng với công việc, cô độc, không được giúp đỡ, có mối quan hệ không tốt với cha đứa trẻ hoặc người thân, hoặc gặp phải biến cố tâm lý lớn trong thời gian mang thai (như mất người thân). Ngoài ra, nếu trong gia đình có người bị trầm cảm (bố, mẹ, anh, chị…) thì nguy cơ bị bệnh càng cao.

Bệnh trầm cảm sau sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần người mẹ. Nhiều trường hợp bị trầm cảm còn nghĩ rằng mình là mối nguy hại của gia đình, hoặc đứa trẻ là mối nguy hại cần phải giết bỏ. Chính vì vậy, đã xảy ra nhiều vụ mẹ tự tử hay giết hại chính con đẻ của mình.

Theo đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nếu như 80% người mắc trầm cảm thông thường có hành vi, ý định tự sát thì ở bệnh nhân trầm cảm sau sinh, tỷ lệ tự sát và có hành vi nguy hiểm thậm chí còn cao hơn.

Bên cạnh đó, những đứa bé có mẹ mắc trầm cảm sau sinh không được điều trị sẽ đối mặt với nguy cơ rối loạn cảm xúc và hành vi và khả năng nhận thức kém hơn so với bạn bè cùng lứa. Do vậy, việc phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách các trường hợp mắc trầm cảm sau sinh có tác động rất lớn tới sức khỏe thể chất và trí tuệ của cả bà mẹ và thế hệ tương lai.

Điều trị kịp thời để giảm thiểu tác hại

Theo lời khuyên của các bác sỹ, khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Một số thuốc thông thường được sử dụng trong trường hợp này là thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.

Trầm cảm khiến hàng triệu người Việt mất sức lao động

Trầm cảm khiến hàng triệu người Việt mất sức lao động

Bộ Y tế cho biết: Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp; là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam.

Các bà mẹ cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu hội chứng trầm cảm sau sinh. Cùng với đó là cố gắng suy nghĩ tích cực, đừng kìm nén cảm xúc, trò chuyện với chồng, bạn thân, bà con họ hàng hoặc những bà mẹ khác về những gì đang trải qua; không cố gắng làm quá nhiều việc trong một ngày; đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh; dành thời gian để nghỉ ngơi…

Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người thân. Động viên và cùng tham gia chăm sóc em bé sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng bình thường trở lại.

Để phòng tránh, ngay từ lúc mang thai, người phụ nữ cần có chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý; gia đình, đặc biệt là người chồng cần quan tâm, chăm sóc, tạo cho vợ tâm lý thoải mải. Sau sinh, người phụ nữ cũng cố gắng phân bổ thời gian hợp lý để vừa chăm con mà vẫn đảm bảo sức khỏe bản thân, trao đổi với bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé; những người thân trong gia đình và người chồng cần gần gũi, quan tâm, chia sẻ với sản phụ, đồng thời hỗ trợ sản phụ chăm sóc em bé...

Minh Hiếu (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm