04/01/2018 08:08 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chúng tôi ngược đường lên núi Bảo Đài, nay gọi là núi Vảy Rồng, để đến thăm khu di tích Ngoạ Vân Am. Đây là nơi Hoàng đế - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã tu luyện những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và hoá Phật, được coi như thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.
Ngoạ Vân Am là một trong 14 điểm thuộc cụm di tích đời nhà Trần, nằm trên địa phận xã An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều - Quảng Ninh, quê gốc của các vua Trần.
Buổi sáng trời mưa và vắng khách. Nhà báo Ngô Hà Thái, đạo diễn Phạm Lộc và tôi gặp may. Những người phục vụ ở khu di tích vẫn cho vận hành cả hệ thống cáp treo chỉ để chúng tôi kịp lên khu di tích. Ngước mắt nhìn rặng núi cao chìm trong mây trắng, cảm xúc thật khó tả. Vùng rừng núi linh thiêng này hơn 600 năm trước hẳn rất hoang vu. Với nguồn sáng tinh thần và ý chí vô cùng lớn lao, Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi ấy vẫn là Thái Thượng Hoàng, từ bỏ kinh thành về Yên Tử và nơi đây sống, tạo dựng nên Thiền phái Trúc Lâm sức sống vượt qua các vương triều, có nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần người Việt cho đến tận ngày nay.
Trần Nhân Tông là một hoàng đế anh minh của nhà nước Đại Việt cuối thế kỷ XIII. Ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ đất nước với hai lần chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông, phát triển kinh tế, văn hoá, mở mang bờ cõi bằng những chính sách ngoại giao khôn khéo. Ông còn là người đã hợp nhất các tông phái khác nhau để tạo nên Thiền phái Trúc Lâm, được coi như giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của VN, mang dấu ấn văn hoá Việt đặc sắc với phương châm nhập thế và 10 điều răn dạy có ý nghĩa lớn đối với phật tử trong đời sống.
Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong "Lịch triều hiến chương loại chí" về Trần Nhân Tông:
"Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước. Sau khi nhường ngôi, vua lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiến, đúc đỉnh Phổ Minh, thờ Phật rất chăm. Về sau đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân".
Trước đây trong giới nghiên cứu còn có ý kiến khác nhau về địa điểm của am Ngoạ Vân. Sau này, mọi việc đã được xác định. Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ VN), "kết quả điều tra nghiên cứu khảo cổ học khu vực Ngoạ Vân đã cung cấp những bằng chứng khoa học xác thực cho thấy quần thể di tích chùa Ngoạ Vân thuộc thôn Tây Sơn xã Bình Khê chính là nơi mà đức Trần Nhân Tông đã tu hành". Và "Khu vực Ngoạ Vân bao gồm 6 cụm di tích, phân bố dọc từ phía Đông đến khu vực trung tâm sườn phía Nam của núi Ngoạ Vân, trong đó tại khu vực Ngoạ Vân 3, 4, 5 là khu vực chùa hiện nay còn lại rất nhiều các di tích di vật của nhiều thời kỳ khác nhau, các di tích di vật này đều chứng minh đây chính là di tich Ngoạ Vân, là nơi mà Trần Nhân Tông đã hoá".
Ngọa Vân Tự nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chùa có địa thế rất đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh. Chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo vào thời Hậu Lê. Kiến trúc của khu vực chùa có ba lớp. Trên cùng là am Ngọa Vân. Trong am có bệ thờ, trên đặt tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn.
Ngoạ Vân Am ngày nay đã được tu sửa thành một khu di tích khang trang. Chùa Ngoạ Vân, am Ngoạ Vân, tháp Phật hoàng (theo sử sách còn chứa một phần xá lị của Trần Nhân Tông), bia đá và di tích khác đều được bảo quản, trùng tu, tôn tạo. Khách hành hương có thể đi theo đường bộ hoặc đi cáp treo lên gần chùa Ngoạ Vân rồi đi bộ tiếp đoạn còn lại. Đường lên đã được đầu tư khá tốt. Các dịch vụ được tổ chức chu đáo để phục vụ du khách gần xa.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất