Nguy cơ sạt lở đê biển ở Cà Mau

06/06/2016 11:18 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tình trạng sạt lở đê biển trên địa bàn các huyện Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau) đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Toàn tuyến đê dài 252 km, trong đó bao gồm đê biển Đông và đê biển Tây tình trạng sạt lở diễn ra từng đoạn, có đoạn sạt lở tới gần 2.000m. Nghiêm trọng nhất là đoạn đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời sạt lở nhiều đoạn, mỗi đoạn dài hàng trăm mét. Hiện nước biển đã lấn sâu tới chân đê, nguy cơ nước biển phá đê là rất lớn.

Đê biển sạt lở khiến đất sản xuất nông nghiệp bên trong đê bị ô nhiễm, làm giảm năng suất cây trồng; đời sống và sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường. Ước tính tỉnh Cà Mau có trên 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng xâm nhập mặn.


Một điểm sạt lở tại đê biển Tây Cà Mau

Ông Phạm Thanh Lâm, một nông dân gần 50 năm sống ven biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau mong muốn, Nhà nước cần đầu tư cải tạo tuyến đê biển, như vậy đê biển mới có sức chống chọi với những cơn sóng biển lớn.

Trước tình hình đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai một số giải pháp nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước mắt, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai từ tỉnh đến cơ sở triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai năm 2016; giao cho UBND các xã huy động lực lượng tại chỗ tham gia bảo vệ đê biển, nơi nào bị sạt lở sẽ tổ chức bồi trúc, trồng rừng phòng hộ ngăn không để nước biển tràn đê.

Tỉnh Cà Mau cũng đã có phương án nâng cấp đê biển, đây là một trong những chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Chính phủ phê duyệt.

TTXVN/Trần Thành Nên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm