01/08/2017 11:09 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Dù không đăng kí các dịch vụ tăng thêm (có tính cước hàng ngày hoặc hàng tháng), nhiều thuê bao điện thoại vẫn bị nhà mạng âm thầm thu cước dịch vụ bởi nhà mạng tự... đăng ký dùm cho khách hàng. Khách hàng nếu không phát hiện, hàng tháng vẫn bị trừ tiền mà vẫn không biết mình xài dịch vụ gì.
Âm thầm “móc túi” khách hàng
Anh Võ Quốc H., một khách hàng của nhà mạng Vinaphone, đã không khỏi bức xúc khi chia sẻ thông tin trên Facebook: “Mất tiền mà không biết. Các nhà mạng đang âm thầm móc túi chúng ta mỗi tháng hàng ngàn tỷ đồng. Mới được người bạn làm IT chỉ cách kiểm tra. Mọi người soạn tin nhắn như sau để kiểm tra xem mình đang bị sử dụng những dịch vụ gì. MobiFone soạn KT gửi 994; Vinaphone soạn TK gửi 123; Viettel soạn TC gửi 1228…”.
Theo như anh H., anh bị nhà mạng này “móc túi” đến 4 dịch vụ. Điều này làm anh khá bức xúc vì những dịch vụ này anh không hề đăng kí và cũng không được nhà mạng thông báo mình có đang sử dụng dịch vụ này hay không. Do đó, mỗi tháng anh mất nhiều tiền mà không hiểu lý do vì sao.
Ngay sau khi thông tin chia sẻ của anh H. được đăng “đàn”, lập tức hàng chục comment và hơn 100 lượt chia sẻ trên Facebook thông tin về cách kiểm tra mình đang bị nhà mạng “móc túi” dịch vụ gì.
Theo như các comment bên phía dưới thông tin chia sẻ của anh H., hầu như các khách hàng của các nhà mạng này đều bị “móc túi” thấp nhất 2.000 đồng/tháng đến vài chục ngàn/tháng.
Cụ thể, anh H.H cho biết cách đây mấy tháng anh đã có kiểm tra thông tin nhà mạng và được tin báo lại là không sử dụng bất cứ dịch vụ giá trị gia tăng nào khác của Mobifone. Thế nhưng, tháng rồi cước viễn thông của anh lại đột biến lên 300.000 đồng do phát sinh GPRS. “Nói chung, nhà mạng quá tham và quá nguy hiểm nên kiểu gì cũng bị móc túi”, anh H.H bức xúc.
Anh Thái Q. cũng cho hay: “Tôi cũng bị dịch vụ 9595 mặc nhiên cài vào máy mỗi ngày móc túi mất 6.000 đồng, vừa mới phát hiện ra hôm kia”.
Nick name Thế C. thì sau khi kiểm tra thông tin theo chia sẻ của anh H. đã không khỏi hoảng hồn cho biết, nhà mạng Mobiphone thông báo anh đang sử dụng 2 dịch vụ mà anh không hề cài đặt, đó là dịch vụ LoveTV với gói cước 2.000 đồng/ngày và gói FUNRING với cước 12.000 đồng/tháng. Tổng cộng anh Thế C. phải trả cho 2 dịch vụ này khoảng hơn 70.000 đồng/tháng.
Thực tế, việc các nhà mạng “móc túi” người tiêu dùng không phải là mới. Nổi bật nhất trong năm 2016 là vụ khách hàng của bốn nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone và Vietnamobile được phát hiện bị Công ty SamMedia (trụ sở tại Hong Kong, văn phòng ở Hà Nội) âm thầm “móc túi” gần 230,5 tỉ đồng từ các dịch vụ “không mời mà đến”.
Theo các chuyên gia, với hơn 120 triệu thuê bao di động đang phát sinh lưu lượng (tính đến tháng 1/2017) của tất cả các mạng, chỉ cần khoảng 10% trong con số này bị “móc túi” 10.000 đồng mỗi tháng, các nhà mạng đã có doanh thu đến 120 tỉ đồng/tháng.
Khó xử lý?
Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Bộ Công thương cho biết thời gian qua các vụ khiếu nại, phản ảnh của người tiêu dùng quanh lĩnh vực viễn thông di động, nhất là về dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng vẫn tăng. Tuy nhiên, nhà mạng thường không giải quyết dứt điểm, khiến người tiêu dùng phải liên hệ nhiều lần. Khi VCA vào cuộc, vụ việc mới được giải quyết.
Để tăng cường quản lý các nhà mạng trong việc cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, đồng thời thắt chặt quản lý hoạt động kinh doanh SIM từ các đại lý, VCA đã phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) để tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu các nhà mạng phải có công cụ giúp người tiêu dùng tra cứu được lịch sử sử dụng các dịch vụ trên thuê bao di động.
Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại của người tiêu dùng không nhiều nên ít có người thực hiện kiện tụng các nhà mạng. Do đó, các cơ quan quản lý muốn xử phạt cũng khó vì việc xác định thuê bao nào không đăng ký nhưng bị trừ tiền... là tương đối khó khăn và phức tạp.
Theo đó, Bộ TT&TT khuyến nghị người tiêu dùng tích cực khiếu nại tại các điểm giao dịch. Nếu khiếu nại đúng mà không được hoàn trả cước, đề nghị người tiêu dùng liên hệ với các cơ quan thuộc Bộ để phối hợp giải quyết.
Ngoài ra, để tránh khách hàng vô tình kích hoạt dịch vụ, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng có thêm bước xác nhận qua tin nhắn SMS trước khi kích hoạt dịch vụ hoặc trừ cước của khách hàng.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ TT&TT nên sửa đổi luật theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng.Cụ thể, thay vì yêu cầu người tiêu dùng phải chứng minh thiệt hại của mình, nên đổi lại nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh mình không gây thiệt hại cho người dùng. Bởi, bằng chứng vụ việc chủ yếu nhà mạng nắm giữ nên phần thiệt hầu hết đều về phía người dùng.
Hải Yên/Tintuc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất