Nhiều người già tại Hà Tĩnh làm đơn xin trả sổ hộ nghèo

27/10/2019 11:09 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - “Tôi nghĩ làm người đừng quá bo bo, nếu thấy mình đủ rồi nên nghĩ đến người khác. Vợ chồng tôi chưa giàu nhưng xung quanh nhiều người còn khổ hơn nên mình xin trả sổ thôi”, cụ Nguyễn Văn Lương (90 tuổi) bộc bạch về lý do viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của mình.

Thủ đô Hà Nội đến hết năm 2019 không còn hộ nghèo

Thủ đô Hà Nội đến hết năm 2019 không còn hộ nghèo

Ngày 20/8, UBND thành phố Hà Nội tổng kết Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo; sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng trên địa bàn thành phố.

Không riêng gì cụ Lương, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2020 (từ ngày 18/10-18/11), tại Hà Tĩnh, nhiều cặp vợ chồng già cũng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lương và Dương Thị Huệ (ở thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tuổi 90, nhưng vẫn rất yêu đời và tinh anh.

Chú thích ảnh
Vợ chồng cụ Lương hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Cụ ông Nguyễn Văn Lương trước đây là thanh niên xung phong tại Thanh Hóa. Sau đó, cụ nhận chế độ hưởng lương 1 lần. “Khi còn khỏe, hai vợ chồng tôi làm cả mẫu ruộng, trồng đủ các loại từ lúa cho đến khoai, ngô, lạc… Trâu bò trong nhà có 4-5 con. Giờ nghỉ hết rồi, hằng ngày vợ chồng già tự chăm nhau không phiền đến con cái”, cụ Lương chia sẻ.

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lương - Dương Thị Huệ có 5 người con, 13 cháu và 15 người chắt. Hiện, hai người con làm ăn tự do tại địa phương, ba người con còn lại đều đi làm ăn trong miền Nam. Gia đình cụ ông Nguyễn Văn Lương thuộc đối tượng hộ nghèo từ năm 2016 đến nay. Từ lâu, hai cụ sống tách riêng với con cái trong ngôi nhà tranh tre, tài sản trong nhà không có gì ngoài các vật dụng cơ bản, thiết yếu. Nhận thấy hai cụ không có khả năng lao động, kinh tế khó khăn nhiều năm liền, qua đánh giá, phân loại, Ban chỉ đạo hộ nghèo của thôn và xã xếp gia đình hai cụ vào diện hộ nghèo.

Năm 2019, anh Nguyễn Văn Hùng, con trai út của hai cụ quyết tâm xây lại căn nhà mới ngay sát ngôi nhà của bố mẹ. Phấn khởi trước cơ ngơi con cái mới xây dựng, ngày 22/10/2019, nhân xã đang tiến hành rà soát hộ nghèo, vợ chồng cụ Lương đã quyết định nộp đơn xin thoát nghèo. “Giờ con cháu làm ăn cũng tạm ổn, cuộc sống mình sướng thì chưa sướng nhưng cũng mãn nguyện rồi. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi thấy xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là đúng, để còn nhường cho người khác khổ hơn mình”, cụ Huệ bày tỏ.

Năm 2019, xã Thạch Đài có 74 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo chiếm 4,21% dân số toàn xã. Riêng thôn Liên Hương có 12 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Chia sẻ về trường hợp của vợ chồng cụ Lương, ông Nguyễn Phúc Bảy (Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương) cho biết: “Hai cụ tuổi cao, sức yếu lại không có lương, chỉ có trợ cấp xã hội hàng tháng được hơn 500 ngàn đồng. Việc làm của cụ khiến chúng tôi rất xúc động. Sau khi kiểm tra xem xét, chính quyền đã chấp thuận đề nghị của hai cụ”.

Ngày 23/10, UBND xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hết sức bất ngờ khi nhận được lá đơn xin trả lại sổ hộ nghèo của vợ chồng ông Trần Xuân Sơn (thôn Thống Nhất). “Lúc đầu, chúng tôi tưởng có ai gây sức ép với hai ông bà nên đã xuống tận nơi kiểm tra và tìm hiểu. Sau khi nghe ông bà trình bày, chính quyền đã chấp thuận đề nghị đó”.

Vợ chồng ông Sơn được đưa vào danh sách hộ nghèo năm 2014. Từ đó đến nay, ông bà được hưởng nhiều chính sách như miễn tiền điện hàng tháng, được cấp bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí, nhận gạo trợ cấp theo từng đợt... Xin thoát khỏi hộ nghèo đồng nghĩa những quyền lợi này của ông bà cũng mất đi.

Chia sẻ điều này, ông Sơn xua tay nói: “Hiện, gia đình tôi cảm thấy không còn khó khăn nữa, trong khi đó thôn mình vẫn còn nhiều người già neo đơn, kinh tế rất eo hẹp, nên nhường lại cho họ”.

Với những suy nghĩ này, tại thành phố Hà Tĩnh, khi đợt rà soát hộ nghèo 2020 đang diễn ra đã có 3 hộ nghèo cũng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Đó là trường hợp của hộ bà Trần Thị Long (81 tuổi), bà Lê Thị Thanh (79 tuổi) trú tại tổ 8 phường Nguyễn Du và bà Trương Thị Long (64 tuổi, trú tại tổ dân phố Nam Tiến, phường Thạch Linh).

Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của các hộ dân tại Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng về chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo ra cơ hội thiết thực hơn cho các hộ khó khăn ở những địa phương khác. Đây cũng chính là vấn đề chủ điểm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đưa ra trong Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2019.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: “Bên cạnh thay đổi hình thức, đẩy mạnh vận động Quỹ Vì người nghèo, trong tháng cao điểm này, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung phân loại đối tượng nghèo để có hình thức hỗ trợ sát hợp, hiệu quả, tạo sinh kế, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững”.

Hoàng Ngà (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm