Những bức tượng nhà mồ 'ngập' hồn ở Hà Nội

20/11/2013 09:41 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Những bức tượng gỗ được đẽo vô cùng đơn giản, "mộc đến mức không thể mộc hơn", nhưng lại hút người xem bởi cái hồn toát ra từ đó. Những người làm tượng không tự nhận mình là nghệ nhân và họ cũng không cần áp vào đó bất cứ gì gọi là thần thánh.

Những bức tượng này được trưng bày tại tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Hà Nội từ ngày 18 - 24/11/2013.

Đối với người Tây Nguyên nói chung, chết không phải là kết thúc mà đó là sự trở về với núi rừng, nơi con người đã được sinh ra. Và để tiễn người chết, họ có những món quà tặng, đó là những bức tượng sinh động về con người, động vật, đồ dùng sinh hoạt. Tất cả phản ánh những gì mà khi còn sống, ai cũng trải qua.

Tượng thường được tạc vào lễ bỏ mả, tức là khi họ cho rằng người chết đã thực sự về với rừng. Trước đó, người nhà vẫn cho người chết ăn qua một lỗ thông trên mộ và cho rằng, dù đã mất đi, người chết vẫn cần được ăn, chia sẻ những gì mà họ đã có khi còn sống.

Tượng nhà mồ được tạc rất đơn giản, chủ yếu bằng rìu. Chỉ một số chi tiết nhỏ, khó như mắt, khe tay chân... mới được những người thợ điêu khắc làm với đục

Việc học làm tượng nhà mồ không hề có trong sách hay sự dạy bảo rõ ràng nào. Với những ai có duyên với nghề này, cách học của họ là qua lời nói, qua mắt nhìn và qua cảm nhận các bức tượng

Có những người chỉ nhìn tượng thôi, qua vài lần làm đã bắt đầu cho ra những bức tượng có thể dùng được. Nhưng có những người làm mãi, làm mãi vẫn không tạo được hồn cho bức tượng. Họ sẽ bỏ nghề

Hầu hết những người làm tượng đều kiêng làm tượng khi mơ nhà cháy, bến nước cạn hoặc trên đường đi lấy gỗ về làm tượng gặp rắn bò qua. Nhưng ở đây hoàn toàn không có yếu tố thần bí, ma quỷ trong việc làm tượng nhà mồ

Quan điểm về tượng nhà mồ của họ rất hay và đầy tính triết lý: Khúc gỗ vốn đã có cái hồn của nó. Việc họ làm chỉ đơn giản gọt bỏ đi những cái thừa trên khúc gỗ và giữ lại phần hồn, tức là bức tượng kia

Có lẽ vì triết lý đó mà bất cứ bức tượng nào đã được làm ra, được chấp nhận đều có cái gì đó rất thu hút, rất có sức sống

Về nội dung của các bức tượng cũng rất đời. Có khi là cả một bộ tượng tả về chuyện sinh ra của con người

Hay đơn giản là một người cầm bình rượu, thứ thức uống không thể thiếu trong các buổi lễ của người Tây Nguyên

Nếu chú ý, bạn có thể thấy có rất nhiều tượng về người phụ nữ trong cuộc sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên. Có thể do quan điểm mẫu hệ mà người phụ nữ được chú ý hơn cả

Có rất nhiều bức tượng điển hình cho lối điêu khắc tả thực cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người dân Tây Nguyên

Nhưng điều đó không có nghĩa là những bức tượng đó đơn giản. Một trong những bức tượng luôn được chú ý đó là hình ảnh một người đàn ông đang đăm chiêu suy nghĩ.

Hình ảnh này gợi cho người ta nhớ đến Thinking man (Người đàn ông suy tư) của nhà điêu khắc người Pháp - Auguste Rodin. Mặc dù không được nổi tiếng như Thinking man, nhưng những bức tượng của người Tây Nguyên vẫn lột tả được sự đăm chiêu, dằn vặt, lo nghĩ... như con người trong thế giới thực

Một trong những lý do khiên người Tây Nguyên không coi đây là các tác phẩm nghệ thuật có lẽ là bởi các bức tượng luôn mô tả một cách đơn giản và chân thực nhất những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày

Từ những lối đi lại, nhìn ngó của con người

Cho đến những sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Hay đơn giản hơn nữa là hình ảnh người mẹ bế đứa con còn trong độ tuổi bú sữa

Người đàn bà cầm bình rượu quen thuộc

Chú chó trông nhà cũng rất gần gũi

Hay con vật linh thiêng, gắn bó lâu đời với cuộc sống rừng núi của người Tây Nguyên - Con voi

Một trong những hình tượng được miêu tả nhiều nhất trong tượng của người Tây Nguyên đó là phồn thực. Những cô gái, chàng trai không một mảnh vải che thân nhưng lại không hề có chất thô tục

Ngay cả việc quan hệ, duy trì nòi giống cũng được đưa vào tượng mà không hề gây sốc, thậm chí ngược lại, nó làm người xem bị hút và chấp nhận hình ảnh đó thật nhẹ nhàng

Và dù có là hình ảnh gì liên quan đến phồn thực, chắc chắn chẳng ai nhìn thấy sự dung tục mà chỉ có thể thấy đó là cuộc sống, là những gì vẫn diễn ra đơn thuần hàng ngày

Đối với tượng nhà mồ, hiện người ta gặp nhiều ở các khu nghĩa địa của người Ba na, Ê đê, Gia rai, Mnông, Xơ Đăng. Về cơ bản, tượng nhà mồ của họ tương đối giống nhau. Sự khác nhau ở đây có lẽ là ở sự trang trí, số lượng tượng ở mỗi ngôi mộ hay thiên hướng về nội dung tượng là gì mà thôi. Và nếu phải chọn về sự phong phú, đặc sắc nhất, có lẽ tượng của người Gia rai, Ba na là đáng chú ý hơn cả.

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm