02/03/2018 06:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Hàng năm, vào dịp đầu năm âm lịch, tại đền thờ các Vương triều nhà Trần thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành thành phố Nam Định, dân làng tổ chức Lễ Khai ấn vào một canh giờ Tý (thời điểm chót của ngày 14 và bắt đầu ngày 15 tháng Giêng Âm lịch).
Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10). Nơi đây vào đúng giờ Tý rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm có lễ Khai ấn. Đền Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962.
Lễ Khai ấn đền Trần
Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp lễ hội để xin, mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Lễ Khai ấn trước hết là một tập tục văn hóa có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là “Thái bình diên yến”. Trần Quang Khải đã sáng tác điệu múa mừng chiến thắng mang tên múa “Bài bông”. Vũ công là những cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc, mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn trên vai, hai đầu quẩy hai chiếc giỏ xếp đầy hoa hoặc hai chiếc đèn lồng bằng giấy. Người múa cầm chiếc quạt phụ hoạ. Múa “bài bông” chia thành bát dật, lục dật, tứ dật đến thời Nguyễn đã thành quy củ. Đến nay phường Phương Bông, ngoại thành Nam Định vẫn hình thành đội múa có trình độ điêu luyện. Còn hát văn có người cho rằng bắt nguồn từ một lối hát chầu thời Trần được phổ biến và hoàn chỉnh ở thời Lê Mạt.
Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, Lễ Khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều tự điển" để nhắc lại phong tục tốt đẹp cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương".
Và từ đây, Lễ Khai ấn trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Tương truyền các vua Trần nghỉ tết âm lịch hàng năm đến rằm tháng Giêng thì Khai ấn trở lại quốc sự.
Nghi lễ Khai ấn
Theo hồi cố của các bậc bô lão thì vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn và rước kiệu để tế vua Trần với sự tham gia của bảy làng.
Tại đền Cố Trạch, các lão ông lão bà áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ trước lễ thánh, sau tham dự buổi lễ Khai ấn trọng thể. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có hai con dấu bằng đồng. Quả nhỏ trên mặt có hai chữ: “Trần miếu” còn quả lớn có chữ: “Trần triều tự điển tứ phúc vô cương” đều khắc theo kiểu chữ triện.
Đúng giờ Tý (12 giờ đêm) một tràng pháo nổ vang báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó, đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng làng tổ chức đóng dấu bằng son đỏ trên các tờ giấy vàng, chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đưa về treo tại các gia đình để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.
Tại sân đền Thượng, sáng ngày rằm tháng Giêng, dân của bẩy làng là Vọc (Bình Lục), Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mạc rước kiệu về đây để tế vua Trần. Các làng này có thờ các danh tướng nhà Trần. Vì làng Vọc thờ Trần Thủ Độ ở quá xa nên sau này không phải rước kiệu nữa mà chỉ đưa lễ xuống tham dự. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa quả đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi thức này phỏng theo cung cách của triều đình phong kiến xưa. Những năm chẵn, hội mở to hơn những năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức trẩy về đền Trần. Hành hương về cội nguồn, ai cũng cầu mong điều tốt lành, thịnh vượng.
Trước sân đền, phấp phới lá cờ đại - lá cờ hội truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại, mãi mãi rạng rỡ tinh thần hào khí “Đông A”.
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Đám rước với cờ quạt, chiêng trống, kiệu lễ, kiệu bát cống, kéo dài hàng nửa cây số. Hội có nhiều trò vui hấp dẫn như: chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, múa bài bông và hát văn (tương truyền có từ thời Trần truyền lại).
Điều cần biết về đền Trần
Đền Trần là tên gọi chung, bao gồm đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn.
Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Tức Mặc là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của Vương triều Trần. Chính vì thế, từ năm 1239 nhà Vua cho dựng cung điện ở đây để lấy chỗ đi lại, chơi thăm với nhiều công trình kiến trúc như điện Trùng Quang nơi Thượng Hoàng về ngự, điện Trùng Hoa nơi các vua Trần về chầu. Theo các tư liệu khai quật khảo cổ, khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa.
Đầu năm 1262, trước khi xây dựng quy mô ở Tức Mặc, nhà Trần đã thăng làng này lên làm phủ Thiên Trường. Đây là một vùng đất rộng bao gồm thành phố Nam Định, chín xã phía nam huyện Bình Lục, huyện Nam Ninh thuộc tỉnh Nam Hà (cũ) và phía nam huyện Thư Trì tỉnh Thái Bình hiện nay. Tức Mặc lúc đó là thủ phủ của đất Thiên Trường. Tức Mặc trở thành một kinh thành lớn lúc đương thời, chỉ đứng sau Thăng Long.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ (chính nam môn - cổng chính phía nam). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.
Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu.
Đền Thiên Trường
Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dựng vào năm thứ 15 niên hiệu Chính Hòa (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.
Đền Thiên Trường gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, siêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.
Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.
Sau tiền đường là trung đường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.
Sau trung đường là chính tẩm gồm 3 gian. Đây là nơi thờ 4 vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính của họ ở gian giữa. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải.
Tòa thiêu hương (hay kinh đàn) là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, và ban thờ riêng cho các quan võ.
Đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí, thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.
Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ. Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần. Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.
Tòa trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.
Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, cùng con gái, con rể của Phạm Ngũ Lão.
Đền Trùng Hoa
Đền Trùng Hoa được xây dựng năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.
Thảo Nhi (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất