16/05/2017 19:51 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Nhà văn Sirin Phathanothai là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử hiện đại Thái Lan. Đặc biệt, bà Sirin cũng là người có một phần dòng máu Việt Nam trong người.
Là con gái của Sang Phathanothai (1914-1986), một nhà báo nổi tiếng, cố vấn của cựu Thủ tướng Phibun Songkhram. Năm 1956, ở tuổi lên 8 bà đã cùng anh trai mình, khi đó 12 tuổi, bí mật băng rừng xuyên qua Miến Điện, đi ngang qua đất nước Trung Quốc rộng lớn để đến Bắc Kinh sống ở nhà của Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai. Khi đó Chính phủ Phibun Songkhram thân Mỹ vẫn muốn để ngỏ khả năng xây dựng quan hệ với Trung Hoa lục địa và hai đứa trẻ nhà Phathanothai đã được chọn để đóng vai “con tin”.
Những năm tháng sống ở Trung Quốc, bà đã chứng kiến hầu hết các biến cố dữ dội nhất của lịch sử quốc gia này. Cũng tại đây, bà đã có những dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ký ức sâu đậm về Người vẫn được bà lưu giữ với những tình cảm sâu sắc.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với người phụ nữ đặc biệt này.
* Xin chào bà Sirin, bà có thể nhớ gì về cuộc gặp đầu tiên của bà với Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Bà Sirin Phathanothai: Khi đó tôi còn rất nhỏ. Khoảng vào năm 1960. Tôi là một trong số ít các trẻ em được Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tổ chức đến nhà khách để đón Hồ Chủ tịch. Đó là lần đầu tiên Người đến thăm tư dinh của Thủ tướng Chu Ân Lai và buổi tiếp đón diễn ra tại một phòng khách lớn.
Khi Người bước vào chúng tôi ngay lập tức nhận ra. Người có chòm râu bạc, người gầy, vẻ ngoài rất thân thiện. Chúng tôi nhận ra ngay đó là Bác Hồ. Khi đó chúng tôi gọi người là Cụ Hồ và sau nay chúng tôi biết được cả nước Việt Nam gọi Người là Bác. Rất đặc biệt, Người có hình dáng của một người ông đối với con em các lãnh đạo Trung Quốc khi đó. Người rất dịu dàng, ân cần và chúng tôi khó mà quên được ấn tượng đó. Tình yêu thương trẻ em của Người thể hiện qua ánh mặt, lời nói và phong cách ung dung tự tại.
Suốt những năm 60, chúng tôi đã luôn ghi nhớ ấn tượng đó. Chúng tôi khi đó đã trông đợi được gặp Người mỗi khi Người sang thăm Trung Quốc. Thường đó là vào mùa Hè, vào dịp sinh nhật Người. Đó cũng là thời gian Người sang đó chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Chính phủ Trung Quốc khi đó đã thu xếp các bác sỹ giỏi để khám cho Người.
Ký ức ngọt ngào nhất tôi từng có là việc Người sẽ mang cho chúng tôi rất nhiều hoa quả Việt Nam. Những quả chuối, quả xoài mà bọn trẻ chúng tôi nhận được quả là một món quà tuyệt vời bởi khi đó Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn.
Hàng năm chúng tôi đều nhận được món quà này và bọn trẻ ở Trung Nam Hải khi đó được hưởng đặc ân là đến chơi với Người trong vài giờ. Đó là dịp đặc biệt của chúng tôi mỗi năm. Sau này tôi có sang Trung Quốc, gặp lại những người bạn cũ. Họ là con cái của các lãnh đạo, nguyên soái, tướng lĩnh Trung Quốc và giờ đều đã là các ông bà bảy tám mươi tuổi. Họ đều nhớ rất rõ kỷ niệm này. Thú vị là họ thuộc về nhóm trẻ khác và tôi thuộc về nhóm khác và tất cả đều nhớ về Người với những ký ức ngọt ngào như vậy sau 60 năm.
Khi tôi được mời đến Đại sứ quán của Việt Nam ở Bangkok và được đến viếng Đền thờ của Người, tôi đã có những hồi tưởng xúc động về Người.
* Lúc gặp Bác Hồ, bà đã biết gì về Người và cách mạng Việt Nam?
- Khi đó chúng tôi đã được giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Tại Trung Quốc, khi đó có cả sách giáo khoa với nội dung về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Điều đáng nói là Người là một huyền thoại sống, chúng tôi được gặp Người và biết rõ về phong cách giản dị của Người. Người không cao xa mà giống như một người ông của mỗi người. Chúng tôi may mắn vì có được đặc ân là gần gũi với Người.
Mặc khác, Người cũng luôn quan tâm đến trẻ em nói chung. Mỗi lần sang thăm, Người đều thu xếp để đến thăm Cung Thiếu nhi ở Bắc Kinh. Mỗi khi như vậy, hàng trăm trẻ em vây quanh Người, từ các em nhi đồng đến các thanh thiếu niên. Người hiện thân rất sống động ở giữa chúng tôi. Chúng tôi yêu quý Người. Đó là cảm xúc của thế hệ chúng tôi.
Về sự nghiệp cách mạng của người, chúng tôi đã được học tập khá đầy đủ. Chúng tôi hiểu biết rất rõ về Người và Cách mạng Việt Nam, về công cuộc chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc của các bạn.
* Sau này, khi bà quay trở về Thái Lan năm 1979. Những nhận thức của bà về Hồ Chủ tịch có thay đổi không?
- Không, trong tôi nhận thức về Người vẫn là nguyên vẹn. Sâu trong tâm trí tôi vẫn là các hình ảnh về Người và không ai hay điều gì có thể thay đổi được. Trong đời, bạn sẽ quên đi nhiều thứ, nhưng một số ít các điều quý giá nhất thì vẫn sẽ nguyên vẹn. Đối với tôi đó những ký ức về Người. Các bạn nên hết sức tự hào vì dân tộc mình có Người.
* Bà nghĩ gì về quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan?
- Hai nước có quan hệ rất gắn bó. Nếu nói về lịch sử, Thái Lan từng là một trong những nơi Hồ Chủ tịch đã có thời gian hoạt động khá lâu và để lại dấu ấn sâu đậm. Người đã hoạt động ở Thái Lan vào những năm 1929, 1930 nhưng trước đó phong trào yêu nước của người Việt đã phát triển ở đây rất sớm, ở vùng Isan – Đông Bắc, dọc theo biên giới Thái – Lào, nơi mà các thành viên gia đình tôi xuất thân. Tại Thái Lan, nhiều người biết và ngưỡng mộ Hồ Chủ tịch, một lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam. Tôi cho rằng đó là cơ sở của quan hệ gắn bó giữa hai nước.
Những người như Cố Thủ tướng Pridi Banomyong cũng đã có quan hệ rất sâu sắc với Hồ Chủ tịch và phong trào cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, cộng đồng Việt Kiều tại Thái Lan cũng có lịch sử lâu đời và phân bố rộng khắp đất nước. Đó là cơ sở để hai nước có một mối quan hệ có bề dày lịch sử và gắn bó. Còn quá nhiều điều vẫn chưa được biết về chiều sâu lịch sử trong quan hệ gần gũi hai nước và tôi cho rằng cần phải giới thiệu cho người dân biểt thêm bởi đó là con đường chúng ta phải đi. Bản thân tôi và nhiều người Thái Lan khác, chúng tôi có một phần dòng máu người Việt đang chảy trong huyết quản. Đó là những người cần cù lao động và yêu chuộng hòa bình.
Văn hóa cũng nên là một nhịp cầu. Ẩm thực Việt Nam hiện đang rất được người Thái ưa chuộng. Việt Nam có một bề dày văn hóa, sự kết hợp cùa văn hóa bản địa, văn hóa phương Đông, phương Tây. Chúng ta không cần phải nói về những gì to tát nhưng các dấu ấn văn hóa Việt, những phẩm chất của người Việt như sự kiên cường, tinh thần quả cảm luôn được người Thái ngưỡng mộ. Như một cô gái Việt Nam vậy, cô ấy thật là duyên dáng nhưng không bao giờ chịu khuất phục. Đừng bao giờ gây sự với Việt Nam, bạn sẽ không thắng nổi được đâu (Cười to).
Đó là một sự công nhận lớn đối với bản sắc dân tộc Việt Nam và khiến các bạn rất tự hào
Hiện nay, những hoạt động thương mại, đầu tư ngày càng phát triển càng củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Khi đất nước các bạn thực hiện chính sách mở cửa hội nhập, hai nước càng gần gũi hơn.
* Bà đã bao giờ đến thăm Việt Nam chưa?
- Các thành viên khác trong gia đình tôi thì đã đến Việt Nam. Thật là đáng tiếc vì cho đến giờ tôi chưa thể đích thân đi thăm Việt Nam. Dù trong tôi có một phần dòng máu Việt Nam.
* Vậy bà thấy gì về các dấu ấn văn hóa Việt Nam đối với bản thân mình?
- Cụ tôi là người Việt Nam. Bà ấy đến từ Sài Gòn. Dấu ấn văn hóa Việt Nam đối với tôi không phải là trực tiếp mà thông qua mẹ tôi. Chúng tôi và con cái của chúng tôi đã được mẹ ru bằng bài hát ru Việt Nam. Chị của tôi vẫn còn nhớ giai điệu bài hát đó. Tôi thì mang máng thôi (Cười to). Đó là một phần Việt Nam trong chúng tôi.
Tôi cũng còn nhớ mình và các anh chị đã được mẹ dùng một thứ dầu cao truyền thông Việt Nam chữa cho nhiều bệnh. Khi còn bé, tôi thấy mùi của nó thật khủng khiếp (Cười to) như nó rất hiệu nghiệm, chữa gần như là bách bệnh. Giờ đây khi anh chị em chúng tôi tụ họp, chúng tôi vẫn nói về kỷ niệm này.
Đặc biệt, dấu ấn về mẹ tôi thật là sâu đậm. Bà là người kiên cường, tận tâm chăm sóc 5 anh chị em chúng tôi trong các giai đoạn khó khăn của sự nghiệp chính trị. Tôi nghĩ đó phẩm chất mà bà thừa hưởng từ dòng máu Việt Nam. Chị của tôi cũng có những phẩm chất đó, luôn biết cách sống thật là lạc quan và nỗ lực trong cuộc sống.
*Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi rất thú vị này!
Sơn Nam (TTXVN, Bangkok)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất