19/08/2019 08:35 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tour du lịch giá rẻ, hay còn gọi tour du lịch “0 đồng” vẫn đang tồn tại và phát triển ở Quảng Ninh. Việc khách du lịch quốc tế bị đối xử tồi tệ, bị lừa đảo bởi chính các hãng lữ hành, hình ảnh du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng xấu, ngân sách nhà nước bị thất thu… đang đòi hỏi các cơ quan quản lý sớm tìm ra nguyên nhân và cùng vào cuộc nhằm chấn chỉnh hoạt động này, đảm bảo quyền lợi cho du khách và lợi ích quốc gia.
Còn nhiều vướng mắc trong quản lý
Thanh tra Sở Du lịch Quảng Ninh thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã kiểm tra 216 tổ chức, cá nhân, trong đó có 133 hướng dẫn viên, 76 cơ sở lưu trú, 3 tàu lưu trú, 2 điểm mua sắm; xác minh 8 doanh nghiệp lữ hành có dấu hiệu vi phạm và xử lý các vi phạm hành chính được phát hiện.
Thanh tra Sở Du lịch đã ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hướng dẫn viên, 8 cơ sở lưu trú và 7 công ty lữ hành; số tiền xử phạt vi phạm là 91,5 triệu đồng.
Các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc liên tục ép các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nhận khách với mức giá thấp, thậm chí có những chương trình du lịch với giá “0 đồng.” Để bù lại chi phí, một mặt các đơn vị lữ hành chỉ cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng thấp, mặt khác họ ép khách vào mua sắm tại các điểm bán hàng chất lượng thấp nhưng giá cao. Tại Quảng Ninh, tour du lịch giá rẻ diễn ra chủ yếu ở thành phố Hạ Long, Móng Cái và thị xã Đông Triều.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân chỉ ra 3 nguyên nhân mấu chốt khiến các tour du lịch giá rẻ vẫn tồn tại và phát triển, đó là: Các doanh nghiệp lữ hành buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cấu kết với lữ hành Trung Quốc, trong đó có một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cho người Trung Quốc “núp bóng” hoặc vào làm điều hành để khai thác khách và tổ chức chương trình du lịch. Công tác quản lý nhà nước, nhất là việc phối kết hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp, các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thống nhất.
Các quy định pháp luật về quản lý lĩnh vực lữ hành chưa chặt chẽ, điển hình như việc không quy định các doanh nghiệp phải thực hiện các chương trình du lịch trọn gói. Đây là điểm dễ bị các doanh nghiệp lữ hành lợi dụng để trốn thuế, khi họ chỉ kê khai thuế một phần dịch vụ visa nhưng không kê khai các dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại…; hay việc thanh toán giữa doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, Trung Quốc không qua hệ thống ngân hàng, vì vậy khó có thể kiểm soát các vấn đề tài chính.
Chung tay "làm sạch" môi trường du lịch
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Lê Minh Tân nhấn mạnh: Mấu chốt của tour du lịch giá rẻ là mọi vấn đề nổi cộm, bất cập đều phát sinh từ các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm và việc trốn thuế của các công ty lữ hành. Do vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra về chống thất thu thuế đối với các công ty lữ hành, các điểm bán hàng, các cơ sở dịch vụ… là cần thiết, đồng thời có giải pháp trong việc áp dụng doanh thu tính thuế của doanh nghiệp lữ hành khai thác thị trường du lịch Trung Quốc.
Là đơn vị lữ hành đón dòng khách du lịch Trung Quốc theo đường hàng không, ông Dương Trọng Dũng - Phó Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Thắng Lợi cho rằng, các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng bắt tay ra quân chiến dịch "làm sạch" môi trường du lịch, xóa những tour giá rẻ có dấu hiệu lừa đảo, đào thải những đơn vị làm ăn không chính đáng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch đi vào nền nếp, giữ gìn hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Gần đây, Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị lữ hành khi làm thủ tục nhập cảnh phải gửi một tờ chương trình tour cho lực lượng Biên phòng biết để cùng phối hợp với các cơ quan chức năng cùng giám sát việc thực hiện tour tại các điểm đến. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Quảng Ninh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp quản lý đối với loại hình thanh toán bằng các máy cầm tay (POS), ngăn chặn việc đưa các máy POS của nước ngoài không qua quản lý hệ thống ngân hàng Việt Nam; có giải pháp quản lý về chuyển tiền, thanh toán của các công ty lữ hành không thông qua ngân hàng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh đề nghị, cơ quan Công an nên chia sẻ thông tin về các đoàn khách du lịch quốc tế với các cơ quan quản lý nhà nước khác để cùng phối hợp quản lý du khách vừa đảm bảo an toàn, lợi ích của khách du lịch khi đến với Việt Nam. Hiện nay, thông tin liên quan đến du khách chưa được ngành Công an chia sẻ.
Tại cuộc đối thoại nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành quy định pháp luật về du lịch đối với doanh nghiệp do Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho rằng: Việc quản lý loại hình tour du lịch “0 đồng” đòi hỏi cấp vĩ mô sớm vào cuộc, nghiên cứu cách thức quản lý cho phù hợp.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Minh Thái: Để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành như Công an, Thuế, Ngân hàng, Quản lý thị trường, Du lịch và chính quyền địa phương. Ông Thái đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương, nhất là Chủ tịch UBND tỉnh là người "cầm cân nảy mực" ở địa phương, huy động các lực lượng trên vào cuộc.
Ông Thái cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tìm giải pháp hiệu quả, hạn chế ít nhất tiêu cực của tour “0 đồng” đối với du lịch Việt Nam.
Văn Đức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất