Sửa đổi Bộ luật hình sự 2015: sẽ theo hướng nào, bao giờ trình Quốc hội?

26/09/2016 19:50 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung và bãi bỏ 1 điều.

Ngày 26/9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ ba Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.

Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ: phiên thứ ba của Ủy ban sẽ tiến hành hai nội dung quan trọng, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là hai dự án luật quan trọng, có tác động lớn tới đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, được dư luận xã hội rất quan tâm.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nêu rõ: Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 10 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc khai hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể các quy định của Bộ luật hình sự và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật hình sự trong thực tiễn.


Bộ luật  hình sự 2015. Ảnh có tính chất minh họa

* Sửa đổi nhưng không làm thay đổi chính sách lớn của Bộ luật hình sự

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, hiện tại có 2 quan điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, trên cơ sở kết quả rà soát và quy mô của một luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật thì nên xác định quan điểm là: sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa các quy định của Bộ luật hình sự có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tiễn liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật hình sự nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và logic trong các quy định của Bộ luật hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật hình sự. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cách tiếp cận thứ hai cho rằng, cần xác định quan điểm của dự án Luật này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của Bộ luật hình sự, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật, trong đó, giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong Bộ luật hình sự, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe, tài sản) cũng như xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân...

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100 đã được Chính phủ thiết kế theo cách tiếp cận thứ nhất.

Cụ thể, dự thảo Luật đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của 64 điều luật của Bộ luật hình sự 2015; trong đó có 49 điều luật liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và 15 điều luật liên quan đến các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng…

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của 12 điều luật nhằm bảo đảm sự phân hóa chính sách xử lý lý đối với từng trường hợp phạm tội...

Chia sẻ những áp lực đặt ra đối với các cơ quan chức năng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải thể hiện sự lo lắng khi trong một thời gian ngắn rà soát đã phát hiện cần sửa đổi, bổ sung liên quan tới 141 điều. Theo Viện trưởng nếu rà soát kỹ hơn, rộng hơn thì có thể sẽ phát hiện được sai sót nhiều hơn.

"Với sai sót này, Bộ luật nhanh chóng đưa vào áp dụng thì không yên tâm, đến lúc đưa vào áp dụng mà phát hiện sai sót thì hậu quả nặng nề việc sửa còn khó khăn hơn", đại biểu nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, đây là đạo luật lớn, nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nên cần sửa đổi triệt để, toàn diện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

* Cân nhắc về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung và bãi bỏ 1 điều.

Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung mức định lượng, mức hình phạt trong các khung hình phạt của một số điều luật; bỏ Điều 292 quy định tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm quy định tại 44 điều luật của Bộ luật hình sự năm 2015 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cụ thể, bổ sung hành vi "cướp phá tài sản" vào cấu thành tội bạo loạn (Điều 112) để xử lý đối với hành vi phạm tội này mà theo Bộ luật hình sự 1999 thì đây là hành vi cấu thành tội hoạt động phỉ; bổ sung các chất ma túy mới phát hiện (chất XLR-11 được tẩm ướp trong cỏ Mỹ và lá KHAT có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành tội phạm về ma túy; đồng thời bổ sung quy định về việc xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự…

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, khoản 2, Điều 12 của dự thảo được sửa đổi theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, Điều 12.

Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nêu băn khoăn về những căn cứ để liệt kê một số tội mà người tử đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội dung này. Đại biểu Nguyễn Đức Sáu đánh giá đây không còn thuần túy là lỗi về kỹ thuật nữa mà thuộc về chính sách hình sự đối với trẻ em.

Đại biểu dẫn Luật trẻ em đã quy định tại Điều 1: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi" nhưng lại phải chịu trách nhiệm hình sự kể cả những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng là trái với nguyên tắc chung từ trước đến nay xuyên suốt các bộ luật hình sự đặt ra.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cân nhắc quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong bối cảnh tội phạm trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay.

Bộ trưởng nói: "Phải nghĩ đến việc ngăn chặn, ngăn ngừa tội phạm. Tội phạm vị thành niên, tội phạm trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động. Tội phạm từ 18 đến 30 tuổi chiếm gần 80% số lượng tội phạm. Việc ngăn ngừa tội phạm ở chỗ này rất quan trọng, đặc biệt là dưới 18 tuổi."

* Ý kiến khác nhau về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, tại phiên thảo luận có hai luồng quan điểm khác nhau.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều của Bộ luật hình sự năm 2015, tuy nhiên hồ sơ dự án gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội (phối hợp thẩm tra) quá gấp, nên thời gian để bảo đảm nghiên cứu sâu, có chất lượng còn hạn chế.

Trong thời gian chuẩn bị dự án Luật, nhiều bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Bộ luật hình sự 2015 để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước…

Qua tiếp tục rà soát, Thường trực Uỷ ban Tư pháp thấy còn một số điều luật cần phải xem xét sửa đổi. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn… do đó phải có thời gian vật chất cần thiết mới làm tốt được.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần thực hiện theo tiến độ đã được đề ra tại Nghị quyết 144 của Quốc hội: Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai.

Ngày mai, Ủy ban Tư pháp tiếp tục thảo luận về nội dung này./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm