22/02/2018 07:16 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Kể từ VCK U23 châu Á hồi tháng 1 vừa qua, hai anh em cầu thủ người dân tộc Mường Bùi Tiến Dũng - Bùi Tiến Dụng đã trở thành “thương hiệu bạc tỷ”. Và nhờ “thương hiệu” ấy, Mường Bào (xã Phúc Thịnh, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) – nơi chôn nhau cắt rốn của hai anh em cũng được "thơm lây", trở thành điểm đến không thể bỏ qua của các fan, đặc biệt là trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua.
Phóng viên Thể thao & Văn hóa cũng đã du Xuân về Mường Bào, “ăn Tết” cùng anh em hai tuyển thủ họ Bùi.
Mọi “ngả đường Xuân” đều dẫn đến nhà Bùi Tiến Dũng
Theo thông lệ, Tết của người Mường thường bắt đầu từ 26 - 27 tháng Chạp. Vào những ngày ấy, hầu như nhà nào cũng mổ lợn, chia thịt, nấu bánh, dựng cây nêu…
Nhưng với người Mường Bào năm nay, Tết đã đến từ khi hai đứa con cưng của làng cùng đội tuyển U23 Việt Nam liên tiếp làm nên những điều kỳ diệu tại VCK U23 châu Á.
Từ bấy đến nay, Mường Bào lúc nào cũng tấp nập người qua, kẻ lại. Và không ngoa khi nói rằng, “mọi ngả đường xã Phúc Thịnh đều dẫn đến nhà hai anh em tuyển thủ họ Bùi”, không khí trong Mường lúc nào cũng như mở hội.
Chỉ tính riêng dịp Tết vừa qua, dù anh em Bùi Tiến Dũng chỉ sum họp cùng gia đình được hơn 3 ngày (từ chiều 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, sau đó phải quay lại tập trung cùng CLB – PV), nhưng khách du Xuân tìm đến thần tượng không thể thống kê nổi, trong đó có không ít fan đến từ phương xa như TP.HCM. Nha Trang, Huế...
Hai anh em Dũng vì thế ngày Tết gần như chỉ được nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình lúc giao thừa. Còn trước và sau giao thừa, không chỉ anh em Dũng mà gần như mọi thành viên trong gia đình đều phải “căng mình” để tiếp khách. Ngày thường khách đến thì thết chè thuốc, bánh kẹo, còn Tết nhất thì bánh chưng, cơm rượu… Tất nhiên, trường hợp “khách Xuân” nán lại ăn cỗ Tết nhà Dũng không nhiều mà phần lớn tìm đến với anh em Dũng là để thỏa lòng với thần tượng, lì xì cho hai anh em những món quà ý nghĩa, hoặc xin chữ ký, chụp ảnh kỷ niệm.
Giống như ngày hai anh em thi đấu tại VCK U23 châu Á, vì lượng khách đến rất đông nên ngày Tết, anh em Dũng phải kê vài bộ bàn ghế ra sân. Nhiều lúc “quá tải”, sân không còn chỗ, người hâm mộ đứng kín cả một khúc đường trước nhà Dũng. Hai anh em đi hết vòng trong, vòng ngoài, lặp đi lặp lại những cử chỉ đón khách rất đặc trưng của đồng bào Mường: hai tay lúc nào cũng đan vào nhau để trước bụng, khách chìa tay ra thì dùng cả hai tay đón lấy, miệng cười tươi, lưng khom xuống như kiểu chào của người Nhật một cách đầy trịnh trọng. Gặp người Kinh thì anh em Dũng giao tiếp bằng tiếng… Hà Nội, gặp người Mường thì anh em Dũng nói bằng tiếng Mường.
Cái “điệp khúc” ấy cứ lặp đi lặp lại với anh em Dũng trong mấy ngày Tết vừa qua khiến không ít khách du Xuân yêu văn hóa, muốn tìm hiểu về phong tục ăn Tết của anh em tuyển thủ dân tộc Mường đành phải… “khai thác” qua những câu chuyện kể của người trong làng. Còn để tận thấy anh em Tiến Dũng thực hành những phong tục Tết Mường cùng những người thân trong gia đình là điều quá… xa xỉ.
“Huyền thoại" của Mường Bào
Trao đổi với người viết, thủ thành Bùi Tiến Dũng cho biết, năm 2018 này nói riêng và trong tương lai nói chung, anh và người em Bùi Tiến Dụng của mình có rất nhiều mong muốn. Nhưng mong muốn lớn nhất của hai anh em là trong sân cỏ hay ngoài cuộc sống luôn được làm những “cầu thủ văn hóa”.
“Bố mẹ em luôn căn dặn chúng em muốn làm gì thì làm, trước nhất phải làm người văn hóa. Một người văn hóa thì làm việc gì cũng sẽ tử tế. Vì vậy khi có điều kiện, hai anh em rất muốn tham gia các hoạt động xã hội, cố gắng giữ mình và không để vướng vào những thị phi”, Bùi Tiến Dũng nói.
Lời nói trên của Bùi Tiến Dũng về lâu dài sẽ được thời gian kiểm chứng. Nhưng chỉ tính từ sau giải U23 châu Á, những việc làm, hành động của anh em Dũng dành cho cộng đồng đã phần nào chứng minh cho ý hướng muốn trở thành mẫu "cầu thủ văn hóa" như Dũng đã thổ lộ.
Cụ thể, tối ngày 31/1, Bùi Tiến Dũng đã tặng chiếc áo có chữ ký của nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam cho chương trình “Góp yêu thương” tại Thanh Hóa để làm từ thiện. Kết quả, chiếc áo đã được bán với giá 30 triệu đồng và toàn bộ số tiền được đưa vào quỹ ủng hộ người dân ở các huyện miền núi nghèo xứ Thanh.
Ngoài ra, Bùi Tiến Dũng đã quyết định đấu giá đôi găng tay đã cùng anh thăng hoa ở giải U23 châu Á 2018 để lấy tiền ủng hộ nhà vô địch SEA Games Đỗ Hoàng Quân đang phải vật lộn với căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn 3. Giá khởi điểm cho đôi găng tay của thủ môn Bùi Tiến Dũng là 5 triệu đồng. Thời gian bắt đầu đấu giá từ ngày 10/02 đến 24h ngày 25/02 tới đây.
Chưa hết, ngay trước Tết Mậu Tuất, anh em Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng đã quyết định trích ra một phần tiền thưởng cho thành tích đã đạt được tại VCK U23 châu Á để làm từ thiện. Nhân vật nhận được số tiền 10 triệu đồng của anh em Dũng là em Bùi Thị Trang, người cùng làng với anh em Dũng.
“Hoàn cảnh của em Trang vô cùng khó khăn khi mới 10 tuổi đã mồ côi cả bố lẫn mẹ trong vòng một năm. Bây giờ em ấy chỉ còn biết nương tựa vào bà ngoại cũng đã cao tuổi, sức khỏe không được tốt”, Bùi Tiến Dũng xúc động nói. “Chúng em tuy không giúp được nhiều nhưng hy vọng với chút ít ấy sẽ giúp hai bà cháu có một cái Tết ấm cúng hơn”.
Dũng cho biết thêm, ở làng Bào nói riêng và xã Phúc Thịnh nói chung còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. “Em mong em và Dụng luôn giữ được phong độ, được chinh phục những đỉnh cao trong thi đấu, từ đó có điều kiện hơn để quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trước mắt là với những người có hoàn cảnh khó khăn ngay trong làng mình”.
Thủ thành người dân tộc Mường còn cho biết thêm anh đã từng nghĩ đến việc thành lập một quỹ vì những người nghèo làng Bào, nhưng chưa thể thực hiện ngay lúc này vì nhiều lý do chưa cho phép.
***
Nhiều bậc cao niên ở làng Bào yêu quý, ví anh em tuyển thủ họ Bùi như những nhân vật trong sử thi Đẻ đất đẻ nước. Ví vậy, tất nhiên khập khiễng. Nhưng, so sánh ấy lại cũng đủ để chúng ta hiểu: người Mường Bào đã tự hào, đã đánh giá cao như thế nào về phẩm chất và tài năng của Dũng - Dụng.
Mà, kể ra, dù không có phép thuật trấn ma, diệt quỷ cho Mường để xây dựng cõi người phồn thịnh như chuyện xưa, anh em tuyển thủ họ Bùi ít nhiều vẫn trở thành cảm hứng để cộng đồng Mường Bào cùng có niềm tin vào việc dám thực hiện ước mơ bằng đam mê và ý chí của mình. Bởi, Dũng và Dụng cũng là những người như họ, những người vẫn thuộc "lời con gà gáy" lúc tiễn Vua trong sử thi Đẻ đất đẻ nước: Không quên nơi đẻ si, đẻ Mường, đẻ nước, đẻ lửa, đẻ nhà… nơi quê cha đất tổ”…
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất